Lao động của Công ty TNHH Bắc Hà không bị gián đoạn công việc, không mất việc làm; mạng lưới xe buýt tại Hà Nội, trợ giá cho xe buýt… là những nội dung ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ.
Thưa ông, trong câu chuyện liên quan đến xe buýt những ngày gần đây, xin ông cho biết tổng thể về mạng lưới xe buýt tại Hà Nội hiện nay?
Ông Thái Hồ Phương: Mạng lưới tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt của Thủ đô Hà Nội tính đến hiện nay có 150 tuyến, trong đó có 128 tuyến trợ giá (119 tuyến đấu thầu, 9 tuyến đặt hàng), 8 tuyến không trợ giá, 12 tuyến kế cận, 2 tuyến city tour.
Mạng lưới tuyến xe buýt trong thời gian qua đã được phát triển, tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã, đạt tỉ lệ 100%; tiếp cận đến 510/579 số xã, phường, thị trấn, đạt tỉ lệ gần 90%; tiếp cận đến 65/75 bệnh viện, đạt 87%; 192/286 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; 27 khu công nghiệp lớn; 33/37 các khu đô thị lớn, đạt gần 90%; tiếp cận đến 22/24 làng nghề, đạt 91%; 23/25 khu di tích lịch sử văn hóa, đạt 92%. Các tuyến buýt cũng kết nối 7 tỉnh lân cận là: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hoà Bình, Vĩnh Phúc.
Các tuyến xe buýt hiện nay có trên 2.000 phương tiện, trong đó có 200 phương tiện năng lượng sạch (gần 100 buýt điện đưa vào hoạt động từ năm 2021 đến nay). Số phương tiện đạt chuẩn Euro 4 là gần 1.000 xe. Tuổi đời trung bình phương tiện của Hà Nội là 3 năm. Đây là số tuổi đời trẻ, chất lượng phương tiện tương đối mới, đầy đủ tiện nghi như đèn leg, wifi, camera, hệ thống âm thanh, hệ thống đèn leg cho người khuyết tật, khiếm thính, bảng thông tin điện tử…
Trong những năm qua, khi chưa có dịch COVID-19, số lượng khách sử dụng xe buýt liên tục tăng đều, tuy nhiên trong năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID, lượng hành khách có giảm.
Trung bình trong những năm qua, sản lượng hành khách từ 450-500 triệu lượt/năm. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, lượng hành khách đi xe buýt đạt gần 130 triệu lượt.
Đối tượng miễn phí đi xe buýt trước kia từ 15.000-20.000 người, từ năm 2019, sau khi có Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 của HĐND TP. Hà Nội, đối tượng miễn phí tăng lên trên 500.000 người. Như vậy Nghị quyết 07 là nghị quyết nhân văn, kịp thời đối với người cao tuổi, hộ nghèo. Đến nay số lượng người miễn phí đi xe buýt vẫn tiếp tục tăng.
Trong năm 2021, thành phố đã vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, những hành khách sử dụng loại hình vé tháng có thể đi chung giữa hai loại hình này. Với chính sách giá vé hợp lý, thời gian qua nhiều người dân đã sử dụng dịch vụ xe buýt và đường sắt đô thị để làm phương tiện đi làm hàng ngày.
Để đáp ứng mục tiêu của Thành phố đặt ra là tỉ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 25%, sắp tới, mạng lưới các tuyết xe buýt tại Hà Nội sẽ tiếp tục được mở rộng, tăng cường và thành phố ưu tiên phát triển phương tiện sử dụng năng lượng sạch.
Giá đi xe buýt hiện nay trong thời điểm giá xăng tăng là phương tiện vận chuyển giá rẻ, để người dân được hưởng mức giá này, thành phố đang thực hiện trợ giá xe buýt như thế nào?
Ông Thái Hồ Phương: Hà Nội hiện có 128 tuyến buýt trợ giá, tổng kinh phí khoảng 1.200 tỷ đồng/năm. Trong 128 tuyến buýt trợ giá này, có 119 tuyến theo hình thức đấu thầu, 9 tuyến theo hình thức đặt hàng (1 tuyến BRT, 8 tuyến buýt điện).
Về việc trợ giá, đối với TP. Hà Nội, người sử dụng phương tiện vận tải công cộng bằng xe buýt được ngân sách thành phố hỗ trợ, trợ giá cho hành khách với giá vé hợp lý, tức là trợ giá thông qua giá vé.
Để chi trả cho các tuyến buýt trợ giá, thành phố có bộ định mức đơn giá theo km. Bộ định mức đơn giá này là cơ sở để tính chi phí. Hiện nay mức trợ giá bằng chi phí trừ đi doanh thu (chí phí dựa trên bộ định mức đơn giá, doanh thu là sản lượng hành khách theo các tuyến). Hiện nay, Trung tâm đang xây dựng thêm bộ định mức đơn giá cho xe buýt điện và đường sắt đô thị.
Trong thời điểm xăng tăng giá, những điều chỉnh biến động nhiên liệu đều được Nhà nước thanh toán, doanh nghiệp xe buýt không bị ảnh hưởng từ biến động nhiên liệu.
Số lượng hành khách sử dụng xe buýt đến nay đều tăng qua các năm, chất lượng phương tiện cũng được tăng lên, thành phố cũng vừa đưa vào vận hành 8 tuyến buýt điện phục vụ nhu cầu di chuyển của người dân.
Chính sách trợ giá đã tạo hiệu ứng tốt đối với học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân các khu công nghiệp, người lao động có thu nhập trung bình và thấp... Đặc biệt là từ khi có Nghị quyết 07 năm 2019 của HĐND TP. Hà Nội, những người sử dụng miễn phí xe buýt như người cao tuổi, hộ nghèo đã tăng lên hơn 20 lần với khoảng 500.000 người.
Ngoài ra, nhờ có chính sách trợ giá đã hấp dẫn người dân sử dụng dịch vụ xe buýt qua đó giảm phương tiện cá nhân, giảm ô nhiễm môi trường, đặc biệt góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông ở thành phố. Theo tư vấn của Trường Đại học GTVT, trung bình 1 năm sử dụng xe buýt thì lượng CO2 giảm 4.500 tấn so với sử dụng phương tiện cá nhân (xe máy) và 9.500 tấn so với sử dụng ô tô.
Như vậy chính sách trợ giá của Hà Nội đã rất hiệu quả đến thời điểm này.
Công ty TNHH Bắc Hà xin ngừng vận hành 5 tuyến buýt, là việc chưa có tiền lệ. Về phía Trung tâm, xin ông cho biết cụ thể vấn đề này?
Ông Thái Hồ Phương: Sự việc Công ty Bắc Hà xin ngừng vận hành 5 tuyết xe buýt là sự việc rất đáng tiếc và chúng tôi không mong muốn. Đây là sự việc lần đầu tiên xảy ra với vận tải hành khách công cộng của Hà Nội.
Nguyên nhân là do trong năm 2019, năm 2020, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất nặng nề, thành phố có gần 260.00 doanh nghiệp dừng hoạt động và phá sản. Trong đó, một tỉ lệ không nhỏ là doanh nghiệp vận tải.
Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở GTVT và liên ngành đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ nhiều khó khăn cho các đơn vị (như điều chỉnh sản lượng doanh thu của năm 2020, 2021, giảm phí đường bộ, thực hiện đầy đủ các Nghị quyết 128/NQ-CP và Nghị quyết 168/NQ-CP của Chính phủ, ưu tiên tiêm vaccine sớm cho người lao động…) và hiện nay, các doanh nghiệp đã cơ bản ổn định.
Dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến vận tải của Hà Nội, trong đó có Công ty TNHH Bắc Hà, là công ty kinh doanh nhiều ngành nghề. Tuy nhiên, pháp luật đã quy định về việc doanh nghiệp dừng, phá sản rất rõ và Công ty Bắc Hà cũng là doanh nghiệp hoạt động như các doanh nghiệp khác.
Sự việc Công ty Bắc Hà đơn phương chấm dứt hợp đồng, không còn năng lực thực hiện hợp đồng đã ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ, hiệu quả gói thầu các tuyến xe buýt.
Vì vậy, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội đã tham mưu Sở GTVT báo cáo UBND thành phố cho phép chấm dứt hợp đồng với Công ty TNHH Bắc Hà từ ngày 1/8/2022 để lựa chọn đơn vị có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để thay thế, vận hành cũng từ ngày 1/8/2022.
Đến thời điểm này, UBND thành phố đã chấp thuận cho Sở GTVT Hà Nội triển khai các thủ tục để chỉ định đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm để vận hành 5 tuyến buýt từ ngày 1/8/2022. Hiện nay, các thủ tục được Sở GTVT Hà Nội triển khai đúng quy định của pháp luật. Chúng tôi đang cố gắng để chọn đơn vị tiếp tục vận hành 5 tuyến xe buýt này từ ngày 1/8/2022.
Trung tâm cũng đã có văn bản gửi Công ty TNHH Bắc Hà đề nghị thống kê số lao động, từ lái xe, bán vé, lao động hỗ trợ khác (bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm tra, giám sát…) và đã nhận được danh sách 196 lao động có nguyện vọng tiếp tục được ký hợp đồng với đơn vị vận hành mới.
Việc nhận lại số lao động bao gồm 196 người đang vận hành 5 tuyến buýt của Công ty TNHH Bắc Hà là một yêu cầu trong hồ sơ đề xuất với các công ty được lựa chọn thay thế Công ty Bắc Hà.
Việc này nhằm bảo đảm 2 vấn đề, thứ nhất là bảo đảm tính liên tục để người dân không bị ảnh hưởng khi đi lại bằng 5 tuyến buýt; thứ hai là để người lao động không bị gián đoạn hay mất công ăn việc làm mà tiếp tục được làm việc với đơn vị vận hành mới.
Để một doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe buýt hoạt động hiệu quả, theo ông cần những gì?
Ông Thái Hồ Phương: Để doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng như xe buýt hoạt động hiệu quả, tôi nghĩ rằng tự bản thân doanh nghiệp luôn cần tăng cường năng lực quản trị bằng cách quản lý các khoản chi phí đầu vào để tăng hiệu quả dòng tiền của mình.
Đồng thời, thường xuyên nâng cao chất lượng dịch vụ, như tăng cường công tác đào tạo lái xe, đào tạo người bán vé, tăng cường bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, tăng cường kiểm tra giám sát... Dịch vụ tốt đồng thời với phương tiện tốt mới thu hút thêm hành khách đi xe buýt ngày càng đông, như vậy mới tăng sản lượng hành khách, tăng doanh thu.
Như vậy, doanh nghiệp có vai trò rất lớn trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, quản trị chi phí. Với Nhà nước, vai trò của doanh nghiệp rất lớn trong việc nâng cao hiệu quả trợ giá và nâng chất lượng dịch vụ.
Như vậy, vận tải hành khách bằng xe buýt tại Hà Nội sẽ phát triển như thế nào thời gian tiếp theo, thưa ông?
Ông Thái Hồ Phương: Để thực hiện mục tiêu của TP. Hà Nội đã đặt ra là đến năm 2025, vận tải hành khách công cộng đạt 25% nhu cầu đi lại, Hà Nội đã ban hành kế hoạch về phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng. Đồng thời, thành phố giao Sở GTVT thực hiện 2 đề án quan trọng, đó là đề án phân vùng phương tiện cá nhân và đề án thu phí vào nội đô.
Đối với vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nói riêng, hằng năm chúng tôi dự kiến phát triển thêm từ 15-20 tuyến xe buýt, ưu tiên phát triển xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch. Từ nay đến năm 2025, thành phố dự kiến có thêm tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Cầu Giấy đi vào vận hành, tham gia phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.
Chúng tôi tin rằng với nhiều giải pháp tổng thể, chất lượng dịch vụ được nâng cao thì đến năm 2025 sẽ đáp ứng được tỉ lệ 25% nhu cầu đi lại của người dân.
Trân trọng cảm ơn ông!
Gia Huy (thực hiện)