Dự án sẽ hoạt động hiệu quả hơn nếu được sự ủng hộ, quan tâm của các Bộ, Ban, ngành có liên quan, đặc biệt là sự quyết tâm, kiên trì và dành nhiều thời gian, công sức đầu tư của Bộ chủ quản, và sự tham gia đóng góp của các chuyên gia tâm huyết và có kinh nghiệm trong việc xây dựng mô hình mới này.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm trường Đại học Việt-Đức. - Ảnh: Chinhphu.vn |
Mô hình trường VGU (đại học tự chủ về tài chính và đào tạo) là mô hình trường đại học mới trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam vẫn chưa nhận được sự quan tâm, hỗ trợ đầy đủ của các Bộ, Ban ngành, mặc dù Chính phủ đã rất quyết tâm. Các hoạt động của dự án gặp nhiều trở ngại do các cơ quan thực thi ở Việt Nam có sự hiểu biết khác nhau đối với các hướng dẫn của nhà tài trợ, của các văn bản hướng dẫn thực hiện của luật và dưới luật.
Mặc dù trong Hiệp định tài trợ đã nêu rõ, các hướng dẫn của nhà tài trợ sẽ được áp dụng khi có sự khác nhau giữa các văn bản luật Việt Nam, nhưng trên thực tế, hầu như các Bộ ngành chỉ áp dụng các quy định hiện hành của Việt Nam để xem xét, phê duyệt các văn bản của dự án. Do đó, khó khăn chính ở đây là một mô hình mới phải hoạt động trong một môi trường của cơ chế cũ.
Giáo sư Ian Gow và Tiến sĩ Terry Jeves, là những người trực tiếp tư vấn cho đại học mô hình mới của Anh Quốc tại Việt Nam nêu rõ: “Để có thể hoạt động như một tác nhân làm thay đổi hệ thống, thì các trường đại học mô hình mới phải có sự tự chủ tối đa có thể trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Thiếu sự tự chủ đó, hệ thống đã thành lập trước đây sẽ thay đổi các đại học mô hình mới thay vì cho phép đại học mô hình mới dẫn đầu và thúc đẩy sự thay đổi của hệ thống”.
Cần thúc đẩy tiến độ giải ngân của dự án
Đó là một trong những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong buổi làm việc với các Bộ, ngành và Ban Quản lý Dự án xây dựng 2 trường đại học xuất sắc ngày 4/4 tại Hà Nội.
Đối với VGU, công tác khó khăn nhất trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn khủng hoảng là đảm bảo nguồn tài chính, thì việc này đã được hoàn tất từ cuối năm 2010, Chính phủ Việt Nam cấp 20 triệu USD đối ứng với khoản tín dụng ưu đãi 180 triệu USD của Ngân hàng Thế giới.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam và Đức ở TP. Hồ Chí Minh như Bayer, Telekom, Pepperl & Fuchs, các đối tác có uy tín tại CHLB Đức cũng là những cổ đông lớn để hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động của VGU ở Đức và Việt Nam. Với tính chất quan trọng như vậy, Dự án xây dựng VGU đã được Chính phủ xếp vào nhóm A.
Đại học Việt-Đức thuê cơ sở tại Đại học Quốc tế Miền Đông. - Ảnh: Chinhphu.vn |
Bộ Giáo dục và Đào tạo được Chính phủ giao làm chủ dự án. Để nâng cao tinh thần tự chủ về quản trị và tài chính (gắn liền với tự chịu trách nhiệm) của trường, Bộ đã ủy quyền cho trường làm chủ đầu tư trong việc triển khai các thành phần. Việc xây dựng khuôn viên tại Bình Dương được giao cho Ban quản lý dự án Xây dựng Trường Đại học Việt-Đức trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (PMU) thực hiện. Sự phát triển của VGU dự tính được chia ra làm 3 giai đoạn: Giai đoạn hình thành 2009 - 2016 (kế hoạch ngắn hạn); Giai đoạn hoạt động thứ nhất 2017 – 2020 (kế hoạch trung hạn); Giai đoạn hoạt động thứ hai 2021 - 2030 (kế hoạch dài hạn).
Đi vào hoạt động từ tháng 9/2008 cho tới nay, VGU phải dựa vào cơ sở hạ tầng tạm thời ở Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, đến nay là ở một phần tại khuôn viên Đại học Quốc tế Miền Đông – Thành phố mới tỉnh Bình Dương. Theo kế hoạch, đến 2017, khuôn viên hoàn toàn mới của VGU ở tỉnh Bình Dương sẽ được khánh thành và đưa vào sử dụng và đây sẽ là cơ sở để khởi động giai đoạn hoạt động thứ nhất với cơ sở hạ tầng được hoàn thành cơ bản.
Khu đất 50 ha xây dựng khuôn viên của VGU tại Bình Dương đã được đền bù và giải phóng mặt bằng trước khi giao cho PMU triển khai dự án, đây là thuận lợi rất lớn, khó dự án nào có được. Cho đến nay, sau 18 tháng chính thức triển khai thực hiện, dự án đang chuẩn bị rà phá bom mìn, vật nổ trước khi tiến hành các hoạt động khảo sát để thiết kế và thi công xây dựng. Cuộc thi tuyển quốc tế thiết kế kiến trúc và thiết kế kỹ thuật cho khuôn viên của Trường đang được khẩn trương chuẩn bị.
Ban quản lý dự án Xây dựng Trường Đại học Việt-Đức đang triển khai một số gói thầu tư vấn như: Cập nhật, sửa đổi Quy chế tổ chức và hoạt động, xây dựng Điều lệ đại học, Kế hoạch chiến lược phát triển, Chính sách phát triển nguồn nhân lực, thiết lập Hệ thống quản lý tài chính và kiểm toán nội bộ, hệ thống quản lý đào tạo, mạng lưới nghiên cứu, hệ thống đảm bảo và kiểm định chất lượng; mua sắm máy móc, trang thiết bị cho một số phòng thí nghiệm…
Tuy nhiên, việc triển khai mua sắm, nhập trang thiết bị phục vụ trực tiếp cho VGU gặp không ít khó khăn bởi các thủ tục hành chính phức tạp, không nhất quán, từ nội bộ của Bộ chủ quản và các bộ ngành liên quan.
Thêm vào đó, sự không phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan với nhau trong việc triển khai thực hiện dự án; các quy trình phê duyệt các kế hoạch, phân bổ vốn, kiểm soát chi của các Bộ, Ban ngành có liên quan cũng chưa thống nhất, mang nặng tính chủ quan của bộ phận hoặc người thực thi làm cho các hoạt động tài chính của dự án triển khai rất chậm, từ đó làm cho tiến độ chung của cả dự án cũng chậm so với yêu cầu.
Ngoài ra, việc điều chỉnh mô hình đại học định hướng nghiên cứu, tự chủ của Đức cho phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, văn hóa, quy định của Việt Nam cũng là một thử thách cho việc thực hiện dự án. Những người tham gia dự án vẫn còn ít kinh nghiệm với một dự án phức tạp có sự tham gia của nhiều bên: các Bộ, Ban ngành, các đối tác Đức, nhà tài trợ WB….
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ kịp thời
Được xây dựng theo mô hình hiện đại, hoàn toàn mới theo mô hình của các đại học ở CHLB Đức, Đại học Việt – Đức (VGU) phấn đấu trở thành trường đại học nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam và trong khu vực, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. VGU được Chính phủ đầu tư để trở thành một trong những ngọn hải đăng trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Hoạt động của VGU được định hướng theo những thế mạnh về khoa học công nghệ của CHLB Đức và nhu cầu đào tạo ở Việt Nam nhằm tạo nên một hệ thống đào tạo, nghiên cứu khép kín chất lượng quốc tế. |
Tuy nhiên, các chương trình đào tạo toàn thời gian là cần thiết, đảm bảo đủ chuẩn để phát triển nguồn lực sau đại học có năng lực nghiên cứu tốt, những người có thể tham gia các chương trình đào tạo tiến sỹ tại VGU và sẽ trở thành giảng viên tương lai của VGU.
Với việc chuyển cơ sở về Bình Dương, việc tuyển đủ các ứng viên có trình độ theo học các chương trình đào tạo thạc sĩ toàn thời gian là một vấn đề lớn đối với VGU.
Về vấn đề tự chủ, chiếu theo Quy chế tổ chức và hoạt động của VGU thì vấn đề tự chủ tài chính được nêu ra rất rõ, nhưng thực tế trong quá trình vận hành cho đến thời điểm này gần như hoàn toàn ngược lại. Nếu có thực hiện tự chủ thì cũng không đúng quy định hiện hành vì chưa có cơ chế tài chính đặc thù. Cơ chế này mới được ban hành giữa tháng 3/2012, sau hơn 3 năm xây dựng. Trong khi các cơ quan chức năng chỉ làm việc dựa trên văn bản pháp luật hiện hành nên mọi thủ tục đều phải trình lên cơ quan chủ quản quyết định. Nếu làm theo Quy chế hoạt động thì vướng các quy định hiện hành còn làm theo quy định hiện hành thì mâu thuẫn với quy chế hoạt động, dẫn đến việc giải quyết một công việc phải mất rất nhiều thời gian so với dự định.
Về công tác nhân sự, bộ máy quản lý VGU hiện nay được đánh giá còn mỏng và yếu. Đa phần chưa có kinh nghiệm trong quản lý cơ sở đào tạo. Trước đây, khi chưa có Quy chế chi tiêu nội bộ rất khó thu hút và tuyển dụng được đội ngũ nhân sự quản lý có trình độ vì không thể trả được mức lương thỏa đáng. Hiện các bộ phận quan trọng như đào tạo, nghiên cứu khoa học, nhân sự, marketing, quản trị thiết bị đều chưa có lãnh đạo cấp Trưởng phòng.
Về cơ sở vật chất, trong giai đoạn chuyển giao cho tới khi cơ sở chính thức của VGU đi vào hoạt động dự kiến vào năm 2017, VGU phải tạm thời thuê cơ sở tại nhiều điểm khác nhau: Trung tâm TP. Hồ Chí Minh, Thủ Đức, Bình Dương. Do các quy định tài chính ràng buộc, tới nay việc mua sắm trang thiết bị phục vụ đào tạo của VGU tại các cơ sở hiện có vẫn gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thường nhật và công tác đào tạo, nghiên cứu của trường, trong khi hoạt động nghiên cứu chỉ có thể triển khai với chất lượng cao khi có đầy đủ cơ sở hạ tầng dành cho nghiên cứu.
Về thủ tục hành chính, trong quá trình xây dựng trường, VGU phải mua hoặc nhận viện trợ từ nước ngoài các thiết bị thí nghiệm, máy móc để trang bị cho phòng thí nghiệm của các ngành đào tạo, nhưng mỗi lần nhập phải có công văn xin các Bộ cho phép mua hoặc nhận và miễn thuế nhập khẩu với quy trình phức tạp, không cụ thể và mất nhiều thời gian nên luôn bị chậm so với kế hoạch, làm trì hoãn tiến độ của các chương trình đào tạo và nghiên cứu.
Việc phối hợp thực hiện và giải quyết các công việc liên quan đến dự án đại học Việt Đức nói riêng của các cơ quan hữu quan chưa thật sự hiệu quả, thời gian giải quyết thường rất dài.
Từ những bất cập đó, Ban Quản lý dự án Đại học Việt – Đức kiến nghị cần tuyển dụng đủ các vị trí nhân viên của Ban Quản lý, đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực cho họ, bằng nhiều hình thức; nếu qua thử thách thấy không đủ năng lực thì mạnh dạn tuyển lại, thay thế…
Đồng thời, cho thành lập ngay Ban tư vấn giúp soạn thảo tiêu chí đánh giá, đánh giá, lựa chọn tư vấn, đảm bảo chất lượng tư vấn (phần đông sẽ là tư vấn Đức, tư vấn quốc tế), đảm bảo chất lượng máy móc, trang thiết bị thí nghiệm, phần mềm mua về…
Ban Quản lý cũng kiến nghị, đối với dự án nhóm A có tầm quan trọng như VGU, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo mỗi tháng hoặc quý/lần cần làm việc trực tiếp để chỉ đạo và tháo gỡ vướng mắc cho Ban Quản lý, là đầu mối chỉ đạo các đơn vị chức năng có liên quan của Bộ tham gia, hỗ trợ cho dự án, đồng thời là đầu mối để làm việc với các Bộ/Ngành, cơ quan hữu quan của Chính phủ và Nhà tài trợ.
Ngọc Quang
Tin liên quan
> Thúc đẩy xây dựng 2 trường đại học xuất sắc
> Thúc đẩy tiến độ xây dựng Đại học Việt-Đức