In bài viết

Để du lịch Việt Nam "cất cánh"

(Chinhphu.vn) – Ngành Du lịch đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, du lịch vẫn chưa phát triển được đúng với tiềm năng và mục tiêu đề ra, còn rất nhiều việc phải làm để du lịch Việt Nam "cất cánh".

11/03/2011 11:08

Thành tựu và thách thức

Du lịch phát triển đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam không ngừng tăng cao, năm 1995 đón 1.351.000 lượt khách quốc tế, năm 2010 đón 5 triệu. Tốc độ tăng trưởng trung bình về khách quốc tế cả giai đoạn này đạt 9,2%.

Năm 2010 thu nhập từ du lịch chiếm khoảng  6% trong tổng GDP của cả nước; mang lại nguồn thu ngoại tệ  trên 1,5 tỷ USD/năm. Đặc biệt, du lịch đã tạo việc làm cho nhiều lao động (tính đến năm 2010, khoảng 450.000 lao động trực tiếp và gần 1 triệu lao động gián tiếp), góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo…

Phát triển du lịch đồng thời đã đưa hình ảnh đất nước đến với thế giới, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đặc biệt là các di sản thế giới ở Việt Nam.

Theo Dự thảo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, vào năm 2015, Việt Nam sẽ đón khoảng 12 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 28 triệu lượt khách nội địa. Doanh thu từ du lịch đạt 8,9 tỷ USD; đến năm 2020 đạt 15,9 tỷ USD.

Để làm đạt được mục tiêu đó, theo các chuyên gia trong ngành, du lịch Việt Nam phải vượt qua thách thức và bất cập. Cụ thể là: vấn đề thiếu các sản phẩm đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc; chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, giá cả thiếu cạnh tranh; nhiều khu du lịch, điểm du lịch còn phát triển tự phát; quảng bá xúc tiến du lịch còn hạn chế, thông tin du lịch chưa được cung cấp đủ và kịp thời cho du khách và các nhà đầu tư…

Quy hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư khu du lịch còn manh mún, dàn trài, không tạo ra hiệu quả tổng thể. Cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế, trong đó có du lịch. Nhiều tuyến du lịch đến các điểm tham quan chất lượng kém, kéo dài thời gian tham quan của du khách, giảm sự hấp hẫn của điểm đến…

Ông Nguyễn Phú Đức, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho nguyên nhân của tình trạng này là do ngành Du lịch vẫn hoạt động theo kiểu “ăn sổi” thiếu kế hoạch có tính chất dài hạn. Kết cấu hạ tầng còn lạc hậu, một số thủ tục cho khách du lịch vào Việt Nam vẫn còn phiền hà.

Như vậy có thể thấy, để du lịch Việt Nam thực sự “cất cánh” và chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Cần những quyết sách mạnh mẽ trong quản lý, đầu tư, nhân lực

Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, mặc dù kết quả thu nhập du lịch là đáng ghi nhận, nhưng tỷ lệ đóng góp GDP du lịch trong tổng GDP cả nước giai đoạn 1995-2010 còn hạn chế, chưa tương xứng với mục tiêu chiến lược đặt ra là ngành kinh tế mũi nhọn.

Ông Phạm Trung Lương cho rằng cần rút ra một số bài học cho phát triển du lịch giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030 trên cơ sở những quyết sách mạnh mẽ về tổ chức, quản lý, đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và xúc tiến quảng bá du lịch.

Trước mắt, để thu hút khách du lịch, sẽ tập trung xây dựng các dòng sản phẩm du lịch đặc trưng, theo các phân đoạn thị trường. Trong đó, đặc biệt chú trọng khai thác du khách đến từ các thị trường gần như ASEAN và Đông Bắc Á có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày với những sản phẩm mới như: du lịch hội thảo, du lịch chữa bệnh, làm đẹp...

Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì khai thác các thị trường khách truyền thống  Tây Âu, Bắc Mỹ, Bắc Âu, Australia cùng các thị trường mới nổi như các Nga, Ukraina,  Belarus. Thêm vào đó là nghiên cứu thu hút khách từ các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Mỹ La tinh, Nam Phi và Trung Đông với các sản phẩm du lịch cao cấp.

Tới đây hoạt động xúc tiến, quảng bá cũng sẽ được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu các thị trường, chuyển từ xúc tiến hình ảnh sang xúc tiến cho các sản phẩm và thương hiệu cụ thể như phát triển du lịch biển và ven biển, các sản phẩm du lịch gắn với văn hoá - lịch sử...

Công Trí