Du lịch tạo hình ảnh điểm đến Việt Nam thân thiện, hấp dẫn
Trong thập kỷ qua, du lịch VN có bước tăng trưởng gấp hàng chục lần cả về qui mô và chất lượng. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang ngày càng tăng. Nếu như năm 2000, Việt Nam đón 2,1 triệu lượt khách quốc tế; năm 2008 là 4,2 triệu lượt khách quốc tế, thì năm 2010, lượng khách du lịch đến Việt Nam đạt hơn 5 triệu lượt người. Với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm về lượng khách khoảng 20%, Việt Nam ngày càng khẳng định là một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới.
Nghiên cứu về sự phát triển du lịch trong 5 năm qua, TS Hà Văn Siêu- Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết, năm 2010, Việt Nam đã đón hơn 900.000 lượt du khách Trung Quốc. Đây là con số kỷ lục cao nhất từ trước tới nay. Thị trường Nhật Bản cũng tăng đột biến với gần 400.000 lượt, tăng hơn 20% so với năm 2009...
Theo bà Hoàng Thị Điệp - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đạt được bước tiến này là do có sự đóng góp tích cực từ các chương trình quảng bá, xúc tiến, tạo dựng hình ảnh điểm đến Việt Nam trên thị trường quốc tế, nhằm tăng cường thu hút khách và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Nổi bật là các chương trình quảng bá rầm rộ ở các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Tây Âu và ASEAN được tổ chức. Bên cạnh đó, việc ra đời kênh truyền hình dành riêng về du lịch cũng góp phần xúc tiến, quảng bá điểm đến chính thống cho ngành Du lịch…
Tiếp tục xây dựng chiến lược tiếp thị hình ảnh du lịch Việt Nam
Mục tiêu của ngành Du lịch Việt Nam đến năm 2020 thu hút từ 11- 12 triệu lượt khách quốc tế, từ 45- 48 triệu lượt khách nội địa, thu nhập từ du lịch đạt từ 18 - 19 tỷ USD, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến du lịch ưa chuộng, có đẳng cấp trên thế giới.
Do vậy, giải pháp cấp bách của ngành Du lịch hiện nay là phải tăng cường xúc tiến quảng bá tại các thị trường trọng điểm, xây dựng một chiến lược lâu dài để tiếp thị hình ảnh Việt Nam ra thế giới, đồng thời có sự liên kết với các thị trường du lịch có điểm chung khác trong khu vực.
Kinh nghiệm của các nước thành công trong lĩnh vực quảng bá thương hiệu du lịch quốc gia cho thấy, logo và khẩu hiệu được sử dụng lâu dài sẽ đem lại lợi thế lớn, khiến du khách ghi nhớ và tin tưởng hơn.
Chẳng hạn, du lịch Thái Lan rất thành công với “Amazing Thailand” (Sửng sốt Thái Lan), Singapore thu hút với “Độc đáo Singapore“ (Uniquely Singapore), Malayssia với “Malaysia-châu Á đích thực”… Chính những chương trình khuếch trương thành công các biểu tượng và khẩu hiệu này đã góp phần nâng cao hình ảnh, thương hiệu du lịch và tăng khả năng thu hút du khách.
Ở nước ta, khẩu hiệu: “Viet Nam-The hidden Charm - Việt Nam vẻ đẹp tiềm ẩn” tuy được đánh giá tốt nhưng cũng chưa thực sự phát huy được sức mạnh nội lực của ngành Du lịch trong việc quảng bá thương hiệu điểm đến Việt Nam.
Về điều này, TS Victor Wee- Cục trưởng Cục Xúc tiến Du lịch Malaysia chia sẻ: “Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong việc xây dựng thương hiệu du lịch, nhưng các bạn có thể làm tốt hơn để mọi người dễ nhớ, dễ nhận dạng được các thương hiệu đó”.
Để khắc phục những hạn chế trong việc xúc tiến, quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra thế giới, chúng ta cần có một sản phẩm du lịch mang tầm vóc thương hiệu quốc gia.
TS Hà Văn Siêu- Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) nhấn mạnh phải thông tin, quảng bá về sản phẩm du lịch, trong đó, những nội dung này phải được xây dựng có hệ thống và có sự khác biệt, tạo sức cạnh tranh so với khu vực.
Theo các chuyên gia, để đẩy mạnh việc quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam trên thế giới, công tác nghiên cứu phải đi đầu. Trong đó, cần phải dựa trên các kết quả nghiên cứu thị trường (tâm lý du khách, xu hướng du khách) để xây dựng kế hoạch phát triển. Bởi việc tạo dựng thương hiệu hết sức quan trọng trong việc tạo dựng hình ảnh của mọi quốc gia trong việc xúc tiến, quảng bá du lịch. Hình ảnh đó phải gần gũi với sự thật, đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ. Điều quan trọng nhất là khẳng định chất lượng sản phẩm du lịch. Cùng với việc đẩy mạnh nghiên cứu thị trường; cần xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng các điểm đến; tạo dựng bản sắc văn hóa của từng điểm đến./.
Mai Hồng