In bài viết

Để Măng Đen tỏa sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam

(Chinhphu.vn) – Khu du lịch sinh thái Măng Đen (huyện Kon Plông, Kon Tum) từ lâu được du khách biết đến với tên gọi “Đà Lạt thứ hai”, là nơi giàu tiềm năng du lịch.

16/05/2011 14:09

 
Theo Dự thảo Báo cáo chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2030, Tây Nguyên đã được xác định là 1 trong 7 vùng du lịch đặc thù. Trong đó, Măng Đen, thuộc huyện Kon Plông – Kon Tum được đề xuất là một trong 31 khu vực có qui mô và tiềm năng du lịch đặc biệt nổi trội, cần ưu tiên đầu tư để phát triển thành khu du lịch quốc gia.

Kon  Tum Là điểm khởi đầu của tuyến du lịch “Con đường xanh Tây nguyên”, được kết nối với tuyến du lịch “ Con đường Di sản miền Trung” và “con đường huyền thoại  Hồ Chí Minh” để hình thành tuyến du lịch xuyên quốc gia…

Thế mạnh về vị trí của Kon Tum cùng nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú phân bố trên cả tỉnh cùng nhiều di tích lích sử cách mạng, di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật, lễ hội, làng nghề đặc sắc, sẽ tạo ra sức hấp dẫn tổng thể có thể là cây cầu cuốn hút du khách đến với điểm du lịch Măng Đen.

Măng Đen - "Đà Lạt của Kon Tum" vẫn còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ hiếm có với phong cảnh núi rừng, hồ, thác... Nằm ở độ cao 1.100 - 1.400m so với mặt biển, cách thị xã Kon Tum hơn 50km, Măng Đen lúc nào cũng se se lạnh và tĩnh lặng giữa đại ngàn... Khu du lịch sinh thái Măng Đen bao bọc huyện lỵ Kon Plong với những cánh rừng nguyên sinh, rừng thông đỏ bạt ngàn, nhiệt độ trung bình cả năm dưới 20 độ C…

Tại Hội thảo “Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen và đô thị Kon Plông đến năm 2030" do Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Kon Tum tổ chức, vấn đề làm thế nào để phát huy được tiềm năng của Măng Đen cho phát triển du lịch đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp rất đáng lưu ý.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng sinh thái là thế mạnh chủ đạo của Măng Đen. Với khí hậu ôn đới trong lòng nhiệt đới, với đại ngàn rừng thông, với cảnh quan hữu tình của hồ và thác, với hệ sinh thái nhân văn của các dân tộc thiểu số như: Hrê, M’Nông, Xơ Đăng, Ka Dong.

Với các dự án hiện nay đang được triển khai tại Măng Đen như xây dựng số lượng lớn biệt thự nghỉ dưỡng kiểu Pháp, các dự án trồng rau, trồng hoa, nuôi cá... Có ý kiến cho rằng, điều này sẽ khiến cho Măng Đen đi theo mô hình phát triển của Đà Lạt.

Đại diện Bộ Xây dựng nhận xét, so với Đà Lạt mô hình Măng Đen sẽ được nâng cấp và hoàn thiện hơn vì chúng ta đã có những kinh nghiệm của Đà Lạt. Mặt khác, kiến thức về phát triển đô thị du lịch của chúng ta đã được mở rộng và nâng tầm lên rất nhiều so với Đà lạt 100 năm về trước.

Với mong muốn có một sản phẩm du lịch đặc thù, một thương hiệu độc đáo và hình ảnh riêng biệt cho Măng Đen, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của khách du lịch hiện đại, kiến trúc sư Thu Hạnh-Chủ tịch Liên hiệp hội Phát triển du lịch bền vững đã đề xuất một hướng tiếp cận khác cho du lịch Măng Đen. Đó là biến nơi này trở thành khu du lịch sinh thái đúng với ý nghĩa đích thực của du lịch sinh thái.  

Theo bà Hạnh, cần có thống kê, phân tích, đánh giá các hệ sinh thái tự nhiên và nhân văn của Măng Đen. Xác định các giá trị đặc thù của hệ sinh thái đó và qui trình vận hành của nó. Với ưu điểm còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ ban đầu, Măng Đen thực sự phù hợp với loại hình du lịch sinh thái khám phá, tìm hiểu thiên nhiên.

Đồng thời, xác định một mô hình phát triển du lịch có qui mô và cấu trúc hợp lý trên nguyên tắc bảo tồn và gìn giữ các giá trị đặc thù của cấu trúc và các hệ sinh thái tự nhiên và nhân văn nơi đây.

Bà Hạnh khẳng định khi chúng ta tìm ra được giá trị đặc thù của hệ sinh thái Măng Đen và xây dựng được mô hình phát triển du lịch phù hợp, cũng chính là lúc thương hiệu của du lịch Măng Đen được hình thành.

Bài liên quan

>> Sắc xuân trên Kon Plông

Nguyệt Hà