Bộ Tài chính cho biết, việc xây dựng Nghị định nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc bố trí, quản lý, sử dụng chi thường xuyên của ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng; mua sắm tài sản, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị máy móc.
Đồng thời đảm bảo tính thống nhất đồng bộ trong tổ chức thực hiện pháp luật về Luật ngân sách nhà nước; Luật đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Xây dựng; trong việc bố trí và sử dụng nguồn NSNN để thực hiện các nhiệm vụ xây dựng cải tạo, nâng cấp, mua sắm tài sản, sửa chữa trang thiết bị máy móc.
Đối tượng áp dụng của Nghị định gồm: 1. Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội. 2. Các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo nhiệm vụ Nhà nước giao. 3. Các đơn vị sự nghiệp công lập. 4. Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến ngân sách nhà nước.
Theo dự thảo, kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị máy móc; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng phải được các cơ quan, đơn vị lập, tổng hợp trong dự toán chi thường xuyên hằng năm, quản lý sử dụng và quyết toán theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan.
Việc bố trí kinh phí chi thường xuyên để thực hiện các dự án phải đảm bảo nguyên tắc các nhiệm vụ không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, không điều chỉnh, bổ sung được trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Đối với nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng: Được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo các quy định tại Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và Luật Ngân sách nhà nước và quy định tại Nghị định này.
Đối với nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị máy móc: Được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ theo quy định tại Luật Quản lý tài sản công, Luật Giá, Luật Đấu thầu và Luật Ngân sách nhà nước.
Mức kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước cân đối để thực hiện các nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị máy móc; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng theo quy định tại Nghị định này có hạn mức tối đa không quá 45 tỷ đồng/nhiệm vụ và thời gian thực hiện dự án tối đa không quá 2 năm.
Dự thảo hướng dẫn cụ thể về lập dự toán đối với nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng.
Theo đó, căn cứ chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật theo quy định pháp luật xây dựng và ngân sách nhà nước, cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng cơ sở vật chất xác định sự cần thiết và nguyên tắc, điều kiện quy định gửi cơ quan có thẩm quyền để xem xét, thẩm định và phê duyệt dự án theo quy định. Trong đó:
Đối với nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng có tổng mức kinh phí dưới 15 tỷ đồng: Các cơ quan, đơn vị lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình theo quy định của Luật Xây dựng để gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định và phê duyệt.
Đối với nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng có tổng mức kinh phí từ 15 tỷ đồng trở lên: Các cơ quan, đơn vị lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình theo quy định của Luật Xây dựng để gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định và phê duyệt.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Khánh Linh