In bài viết

Đề nghị sửa quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam

(Chinhphu.vn) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 1/9/2020 của Chính phủ Quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

03/07/2023 16:30
Đề nghị sửa quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam - Ảnh 1.

Đề nghị sửa quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 1/9/2020 của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam có hiệu lực từ ngày 30/10/2020. Qua gần 3 năm triển khai thực hiện cho thấy, Nghị định số 102/2020/NĐ-CP đã thể hiện được tinh thần của Luật Lâm nghiệp, thể hiện cam kết và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp ngành chế biến gỗ, tạo hành lang pháp lý về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp, đảm bảo chỉ có gỗ hợp pháp được đi vào chuỗi cung ứng, đã nhận được sự ủng hộ cao của các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ và toàn xã hội.

Ngày 1/10/2021, được sự phê duyệt và ủy quyền của Chính phủ (tại Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 30/9/2021), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký với Trưởng Đại diện USTR Thỏa thuận giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp (Thỏa thuận). Trong đó, tại Điều 6, Điều 7 Thỏa thuận, Việt Nam cam kết sửa đổi, bổ sung Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định liên quan đến tiêu chí xác định quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực xuất khẩu gỗ vào Việt Nam để bảo đảm việc đánh giá, xác định quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực một cách khách quan và phù hợp với thực tiễn; bổ sung đối tượng doanh nghiệp tham gia phân loại doanh nghiệp. Đồng thời, việc mở rộng đối tượng phân loại doanh nghiệp phù hợp với Hiệp định VPA/FLEGT và lộ trình đã thống nhất tại các cuộc họp của Ủy ban thực thi chung thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT.

Bên cạnh đó, Nghị định số 102/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/10/2020. Trong thời gian gần đây, nhiều Luật, Nghị định mới ban hành đã làm phát sinh một số vấn đề thiếu thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là các quy định về tuân thủ tiêu chí phân loại doanh nghiệp đối với các lĩnh vực như: Bảo vệ môi trường, phòng cháy tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 102/2020/NĐ-CP, cụ thể:

Tiêu chí tuân thủ quy định của pháp luật về môi trường không còn phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (thay thế Luật Bảo vệ môi trường năm 2012), Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (thay thế Nghị định số 18/2015/NĐ-CP).

Tiêu chí tuân thủ quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy không thống nhất với quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy, cụ thể: Nghị định số 136/2020/NĐ-CP chỉ quy định cơ sở chế biến gỗ phải có "Phương án chữa cháy" không quy định "Phương án phòng cháy, chữa cháy".

Vì vậy, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/NĐ- CP ngày 01/9/2020 của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam là cần thiết và phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Sửa đổi, bổ sung quy định cho phù hợp

Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 1/9/2020 của Chính phủ Quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 1 Nghị định số 102/2020/NĐ-CP để mở rộng đối tượng phân loại cho phù hợp với Hiệp định VPA/FLEGT và Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp (Thỏa thuận 301).

Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 3 Nghị định số 102/2020/NĐ-CP theo hướng giấy phép FLEGT cấp khi tổ chức, cá nhân có đề nghị. Đồng thời, bỏ quy định cấp giấy phép FLEGT đối với gỗ tạm nhập, tái xuất phù hợp với Hiệp định VPA/FLEGT.

Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 4 theo hướng quy định hồ sơ mua bán, chuyển giao quyền sở hữu gỗ nhập khẩu trong nước thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực Lâm nghiệp, đồng thời phù hợp với thực tiễn…

Theo Nghị định số 102/2020/NĐ-CP, giấy phép FLEGT là văn bản do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp để xuất khẩu; tạm nhập, tái xuất lô hàng gỗ (trừ lô hàng sản xuất từ gỗ sau xử lý tịch thu) sang Liên minh châu Âu (EU) theo các quy định tại Nghị định này, Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu về thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (viết tắt là VPA/FLEGT) và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn