Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, giáo dục mầm non (GDMN) vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn. Những khó khăn, thách thức cơ bản của GDMN đã được nhận diện, cụ thể như sau:
Một là: còn một số lượng khá lớn trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 4 tuổi (chủ yếu là trẻ em ở vùng khó khăn, trẻ em đối tượng yếu thế) chưa được tiếp cận với GDMN tạo sự mất công bằng trong tiếp cận giáo dục.
Hiện nay có khoảng trên 300 ngàn trẻ em mẫu giáo chưa được đến trường, tập trung tại những nơi khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cao. Công tác sắp xếp, bố trí trường lớp vẫn còn nhiều bất cập, hệ thống trường mầm non chưa đáp ứng được nhu cầu đưa trẻ đến trường. Thiếu phòng học, cơ sở vật chất thiết bị, đặc biệt là thiếu đội ngũ giáo viên, buộc một số địa phương chỉ tập trung huy động hầu hết trẻ em mẫu giáo 5 tuổi, trong khi trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 4 tuổi được tiếp cận GDMN còn ở mức thấp.
Thực tiễn này cho thấy việc thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo là cần thiết để đảm bảo quyền trẻ em và đảm bảo công bằng trong cơ hội tiếp cận giáo dục.
Hai là: Các điều kiện đảm bảo chất lượng GDMN còn hạn chế.
Về phòng học: mặc dù hiện nay các cơ sở GDMN đã bố trí đảm bảo 01 phòng học/01 lớp, tuy nhiên tỷ lệ phòng học kiên cố mới đạt 82,2%, còn 0,8% phòng học tạm và học nhờ/mượn gần 2000 phòng. Riêng đối với các lớp mẫu giáo, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 81,8%, phòng học tạm còn 0,79%; đồ chơi ngoài trời, thiết bị dạy học tối thiếu trong lớp ở các trường mầm non cũng thường xuyên xuống cấp, hỏng hóc, thiếu hụt phải bổ sung thường xuyên.
Về đội ngũ giáo viên: bình quân toàn quốc đạt 1,86 giáo viên/lớp, trong đó: Đối với các lớp mẫu giáo đạt 1,84 giáo viên/lớp (thiếu 0,36 giáo viên/lớp tương ứng với khoảng 53.676 giáo viên theo quy mô dự báo đến năm 2030). Trong đó: Riêng đối với các lớp mẫu giáo công lập thiếu khoảng 34.612 giáo viên cần tuyển thêm đến năm 2030. Giai đoạn 10 năm vừa qua, chính sách thu hút, chính sách hỗ trợ giáo viên chưa thích đáng để ổn định đời sống, qua đó "giữ chân" giáo viên yên tâm công tác với cấp học mầm non. Với bối cảnh mức lương còn thấp, áp lực công việc nhiều (thời gian làm việc từ 9-10h/ngày) đã dẫn đến việc ngày càng nhiều giáo viên mầm non bỏ nghề, chuyển công việc.
Ba là: Công tác xã hội hóa, đa dạng hóa các loại hình trường, lớp GDMN còn nhiều hạn chế, dẫn tới gánh nặng vẫn đươc đặt lên các cơ sở GDMN công lập.
Việc huy động các nguồn lực của xã hội cho GDMN còn ở mức khiêm tốn, còn nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách trong phát triển mạng lưới cơ sở GDMN dân lập, tư thục cần được tháo gỡ. Nguồn ngân sách nhà nước hiện tại hầu hết được sử dụng hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục công lập dẫn đến sự thiếu công bằng giữa trường công lập và trường ngoài công lập, học sinh trường công được bao cấp gần như toàn bộ, trong khi đó học sinh trường dân lập, tư thục phải chịu toàn bộ chi phí học tập.
Xác định rõ những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ, yêu cầu của Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Nghị quyết số 42, cho thấy cần thiết phải sớm tham mưu cho Quốc hội ban hành "Nghị quyết phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi" trong giai đoạn mới nhằm tạo hành lang pháp lý và cơ chế chính sách, giải quyết những bất cập của GDMN, thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc xây dựng Nghị quyết Quốc hội về phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi nhằm mục đích đảm bảo trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi được tiếp cận GDMN có chất lượng; chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, ngôn ngữ và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để vào lớp một, góp phần vào thực hiện quyền của trẻ em.
Nghị quyết quy định về phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư cơ sở vật chất trường lớp; ưu đãi thu hút đầu tư; ưu đãi, thu hút đối với giáo viên mầm non dạy các lớp mẫu giáo; chính sách cho trẻ em mẫu giáo học tại các cơ sở GDMN.
Với mục đích nêu trên, đề nghị xây dựng Nghị quyết sẽ tập trung giải quyết 3 nhóm chính sách, cụ thể như sau:
1. Chính sách 1: Hoàn thiện chính sách ưu đãi đối với trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi thực hiện phổ cập, đảm bảo tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được huy động đến cơ sở GDMN để được nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục theo Chương trình GDMN.
2. Chính sách 2: Chính sách thu hút đội ngũ, ưu đãi đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên mầm non thực hiện phổ cập GDMN.
3. Chính sách 3: Đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp GDMN, bổ sung cơ chế, chính sách phát triển mạng lưới trường lớp đáp ứng nhu cầu tới trường của trẻ em mẫu giáo.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Khánh Linh