Xóa gần 8.000 tỷ đồng nợ thuế
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất xóa nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền phạt do người nộp thuế thực tế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh trước ngày 1/1/2014 là 7.421,286 tỷ đồng. Trong đó của người nộp thuế là DN, tổ chức khoảng 6.432,141 tỷ đồng và của hộ, cá nhân đã bỏ kinh doanh là 989,145 tỷ đồng.
Lý giải về đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết, qua tổng kết việc xử lý nợ thuế, Bộ nhận thấy quy định của pháp luật về xóa nợ thuế chưa bao quát hết thực trạng kinh doanh, chưa xử lý được tồn tại về nợ thuế không thể thu hồi được phát sinh do những nguyên nhân khách quan.
Cụ thể, nhiều người nộp thuế cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) hoặc có nguồn từ NSNN nhưng chưa được thanh toán nên không có nguồn nộp kịp thời.
Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2011, theo pháp luật về quản lý thuế, người nộp thuế được gia hạn nộp thuế tối đa 1 năm và không phải tính tiền chậm nộp trên thời gian gia hạn nếu chưa được thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Vì vậy, những trường hợp khác (phát sinh trước ngày 1/1/2011…) tiếp tục khó khăn do vẫn bị tính tiền chậm nộp thuế.
Trong những trường hợp nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng, mặc dù nhiều người nộp thuế đã tuân thủ pháp luật, nỗ lực nộp thuế, cơ quan thuế đã thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý thu nợ thuế theo quy định nhưng do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan ngoài ý muốn nên vẫn còn nợ tiền chậm nộp. Số nợ tiền chậm nộp này hạch toán vào thu nhập sau thuế thu nhập DN khiến DN chịu lỗ kéo dài, ăn vào vốn dẫn đến giải thể, phá sản.
Ngoài ra, từ ngày 1/7/2007 đến ngày 31/12/2013, kinh tế trong nước liên tục gặp nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, áp lực lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô lớn; thị trường tiền tệ chưa thực sự ổn định, nợ xấu có xu hướng gia tăng; sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn cùng với thiên tai, hoả hoạn, tai nạn liên tiếp xảy ra đã ảnh hưởng nhiều đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Những yếu tố khách quan kể trên khiến người nộp thuế gặp khó khăn chồng chất. Nhiều người nộp thuế kinh doanh thua lỗ. Không ít trường hợp lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, phải tạm ngừng hoạt động hoặc thậm chí giải thể, phá sản nhưng không thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục giải thể, phá sản.
Số nợ thuế đã phát sinh từ trước thời điểm mất khả năng thanh toán, giải thể, phá sản (mặc dù đã áp dụng hết các biện pháp cưỡng chế theo quy định mà chưa thu được) bị tính tiền chậm nộp ở mức 0,05%/ngày (18,3%/năm) liên tục tăng thêm trong khi người nộp thuế đã bỏ kinh doanh, hoặc đã giải thể, phá sản.
Căn cứ các quy định của Bộ Luật Dân sự về nguyên nhân bất khả kháng, do trở ngại khách, đồng thời để phù hợp với thực tế, Bộ Tài chính trình Chính phủ thực hiện xóa nợ tiền chậm nộp đối với DN cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn NSNN hoặc có nguồn chi từ NSNN nhưng chưa được Nhà nước thanh toán, với số tiền phạt chậm nộp đề nghị xóa tính đến 31/12/2015 hơn 542,5 tỷ đồng.
Như vậy, tổng số nợ của DN, hộ kinh doanh mà Bộ Tài chính đề Chính phủ xóa là trên 7.963,8 tỷ đồng.
Xóa, khoanh nợ từ 1/1/2014 đến 31/12/2015
Trong văn bản trình Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị xóa nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền phạt đối với những trường hợp không còn khả năng thu do người nộp thuế thực tế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh và khoanh nợ đối với những trường hợp tương tự phát sinh trong giai đoạn từ 1/1/2014 đến 31/12/2015, với số tiền vào khoảng 6.731 tỷ đồng. Trong đó, số nợ của người nộp thuế là DN, tổ chức là 5.716 tỷ đồng và của hộ, cá nhân đã bỏ kinh doanh khoảng 1.015 tỷ đồng.
Lý giải cho đề xuất này, đối với DN, tổ chức kinh doanh, Bộ Tài chính cho biết, trong những năm gần đây, cả nước có trên 500.000 DN. Hằng năm có khoảng 10% DN giải thể, phá sản nhưng không thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật về DN, về phá sản.
Qua tổng kết thi hành Luật Phá sản (năm 2004) thì có 49/63 tòa án nhận đơn và giải quyết tổng số 336 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản. Trong tổng số 336 đơn này, tòa án đã ra 236 quyết định mở thủ tục phá sản và trong đó ra 83 quyết định tuyên bố phá sản.
Như vậy, thực tế phát sinh rất nhiều DN lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, đã giải thể, phá sản hoặc bỏ kinh doanh nhưng không làm đầy đủ trình tự, thủ tục giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật.
Còn hộ, cá nhân kinh doanh bỏ kinh doanh đều là do thua lỗ. Chính vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, nếu đặt vấn đề phải áp dụng các biện pháp để thu hồi hết nợ của hộ, cá nhân kinh doanh đã bỏ kinh doanh là không khả thi, vì họ chỉ còn tài sản đủ để đáp ứng nhu cầu cơ bản trong sinh hoạt thông thường.
Do vậy, để được xóa các loại nợ liên quan đến thuế, Bộ Tài chính cho rằng chỉ xóa nợ cho hộ, cá nhân kinh doanh đã bỏ kinh doanh trước ngày 1/1/2014 và khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của hộ, cá nhân kinh doanh đã bỏ kinh doanh trong giai đoạn từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/12/2015.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quyết định việc xóa nợ sau khi các cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh… xác minh hộ, cá nhân kinh doanh đã bỏ kinh doanh và đã thực hiện cưỡng chế nợ thuế theo quy trình quản lý nghiệp vụ thuế.
T. Minh (theo TBTCVN)