Theo phản ánh của ông Nguyễn Long Hiệp, thời gian qua các phương tiện truyền thông có đưa tin về các tàu cá bị chìm, ngư dân chết, mất tích... trên biển. Qua những vụ việc đau lòng này, ông Hiệp đề nghị nhà nước cần tuyên truyền nhiều hơn, quy định kỹ hơn đối với các tàu và ngư dân để giảm rủi ro, tổn thất về người, tài sản khi đi biển do bão, lốc xoáy, tàu hư...
Thứ nhất, kiểm định thật kỹ sức chịu đựng của vỏ tàu, kiểm kỹ máy tàu có bảo đảm an toàn không.
Thứ hai, quy định thuyền viên phải biết bơi lội mới được lên tàu ra khơi.
Thứ ba, bắt buộc mỗi tàu cá phải trang bị điện thoại vệ tinh và có dụng cụ sạc bằng năng lượng mặt trời được bảo quản chống nước.
Thứ tư, bắt buộc mỗi người phải được trang bị 1 bộ áo phao và lương khô (quân đội), 1 chai nước dự phòng 2 lít khi đi ra biển.
Đặc biệt, cần tổ chức các lớp huấn luyện công tác an toàn khi đi biển cho tất cả ngư dân.
Theo ông Hiệp, những việc trên thực hiện không khó, nhưng lại góp phần giúp an toàn cho ngư dân Việt Nam. Do vậy, ông đề nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu triển khai, không nên chỉ đạo chung chung, nên có việc làm thiết thực hơn.
Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời vấn đề này như sau:
Việc quản lý nhằm bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản là hoạt động thường xuyên, liên tục của ngành thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đã được triển khai thực hiện trong nhiều năm.
Luật Thủy sản 2017 đã quy định các nội dung liên quan đến quản lý tàu cá, bảo đảm an toàn tàu cá (như câu hỏi của ông Hiệp), gồm:
1. Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 m trở lên phải được đăng kiểm, phân cấp và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật; khi đóng mới, cải hoán phải được tổ chức đăng kiểm giám sát an toàn kỹ thuật, chất lượng phù hợp với hồ sơ thiết kế được thẩm định và cấp giấy tờ theo quy định.
2. Cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, bộ phận giám sát và quản lý chất lượng, nhân lực, hệ thống quản lý chất lượng,...
3. Cơ sở đăng kiểm tàu cá phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ đăng kiểm viên, hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng yêu cầu.
4. Chủ tàu cá phải tuân thủ các quy định về đăng kiểm tàu cá; khi đi hoạt động phải có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật đối với tàu thuộc diện phải đăng kiểm, tàu phải có thiết bị thông tin liên lạc theo quy định; tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên phải có thiết bị giám sát hành trình.
Triển khai Luật Thủy sản 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản; trong đó, có các quy định cụ thể về cơ sở đóng tàu, cơ sở đăng kiểm tàu cá, thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá tự động truyền qua hệ thống thông tin vệ tinh,…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 quy định về đăng kiểm viên tàu cá; công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư; đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản; xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá; Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18/1/2022 sửa đổi một số thông tư trong lĩnh vực thủy sản; Thông tư số 07/2021/TT-BNNPTNT ngày 26/7/2021 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 m đến dưới 24 m (QCVN 02 35:2021/BNNPTNT); trong đó, có các quy định cụ thể trình tự thực hiện, các yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu kiểm tra nhằm bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản.
Ngoài ra, để bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, ngành thủy sản đã và đang áp dụng QCVN 02-21:2015/BNNPTNT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trang bị an toàn tàu cá; trong đó quy định các yêu cầu về định mức trang bị, yêu cầu kỹ thuật, bố trí lắp đặt, bảo quản,... đối với các trang thiết bị an toàn lắp đặt trên tàu cá, như: Trang bị cứu sinh (phao tròn, phao áo, dụng cụ nổi cứu sinh,...); trang bị tín hiệu (đèn tín hiệu, vật hiệu, pháo hiệu bị nạn, còi, ...); trang bị vô tuyến điện (máy thu phát vô tuyến MF/HF, thiết bị phản xạ ra đa, pháo vô tuyến chỉ báo sự cố qua vệ tinh,...); trang thiết bị hàng hải (máy thu định vị vệ tinh, ra đa hàng hải, máy đo sâu, la bàn từ,...).
Về phía ngư dân, phần lớn là cư dân vùng ven biển, gắn bó lâu dài với nguồn lợi từ biển với môi trường sông nước,... vì vậy hầu hết họ đều có kinh nghiệm thực tế phong phú đối với nghề khai thác thủy, hải sản.
Tuy nhiên, còn nhiều chủ tàu, ngư dân chưa quan tâm đến việc trang bị các trang thiết bị an toàn trên tàu nhằm bảo đảm an toàn tàu cá khi tàu ra khơi hoạt động; một số ngư dân còn có quan niệm mê tín cho rằng trang bị các trang thiết bị an toàn trên tàu là không nên, sẽ thiếu may mắn, dễ gặp điều không may, xui xẻo,... Do điều kiện kinh tế, nhằm giảm thiểu mức đầu tư ban đầu, nhiều chủ tàu cá vẫn lắp đặt máy tàu là máy thủy cũ, máy bộ cải hoán trên tàu cá.
Mặc dù hằng năm tại các địa phương, ngư dân vẫn được tham gia các lớp tập huấn, tuyên truyền về bảo đảm an toàn tàu cá nhưng sự quan tâm của ngư dân là những người trực tiếp đi biển còn hạn chế, chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn khi đưa tàu đi hoạt động.
Mặt khác, do ảnh hưởng của biến đổi khi hậu, tình hình thời tiết trên biển xuất hiện các yếu tố cực đoan, không theo quy luật, khó dự báo, ngay cả đối với những ngư dân giàu kinh nghiệm.
Do đó, vẫn còn có những tàu cá bị tai nạn trên biển dẫn đến tàu cá bị hư hỏng, bị chìm, ngư dân bị chết và mất tích.
Trong thời gian tới, Tổng cục Thủy sản tiếp tục tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật, các quy định quản lý nhằm bảo đảm an toàn tàu cá; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá không bảo đảm an toàn vẫn ra khơi hoạt động; yêu cầu các đơn vị, địa phương xây dựng các chương trình tập huấn đa dạng, sinh động hơn để thu hút ngư dân tham gia.
Chinhphu.vn