Trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường của Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh nhìn nhận: Các nội dung được Bộ trưởng trả lời tại chất vấn là thỏa đáng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đi thẳng vấn đề, nhất là đối với người lần đầu tiên đăng đàn trả lời Quốc hội.
Ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, trong bối cảnh khó khăn do những tác động tiêu cực của đại dịch COVID–19, nông nghiệp đã thực sự được khẳng định và phát huy được vai trò là "bệ đỡ" của nền kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của ngành nông nghiệp. Trong các cân đối lớn của nền kinh tế, thì cân đối về lương thực, thực phẩm, bảo đảm về an ninh lương thực luôn là một trọng tâm được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ưu tiên chỉ đạo.
Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII vừa diễn ra, Trung ương đã bàn và quyết định nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn, kinh tế hợp tác xã.
"Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã vượt qua sóng gió và nỗ lực đương đầu, thích ứng linh hoạt với khó khăn, thách thức từ thiên tai, dịch bệnh… để đạt được nhiều thành tựu, khẳng định vai trò 'bệ đỡ', bảo đảm an ninh lương thực, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân trong bối cảnh bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh", đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
Đại biểu cũng cho rằng, thời gian tới, vai trò "bệ đỡ" này cần được tiếp tục thông qua những giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, trước hết cần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Cùng với đó, cần quan tâm ban hành cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp và xuất khẩu chính ngạch, khắc phục tình trạng xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới. Đặc biệt chú ý tháo gỡ những nút thắt về chính sách, giải phóng nguồn lực và thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Để từng bước hướng đến nền sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, cần đặc biệt quan tâm thúc đẩy liên kết vùng trong nông nghiệp, triển khai sản xuất theo hướng liên kết vùng với sự vào cuộc của các doanh nghiệp, hợp tác xã để nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, xây dựng các chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, góp phần quan trọng giải quyết bài toán "được mùa, mất giá". Đồng thời, cần phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đào tạo nghề và tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, để người nông dân "ly nông bất ly hương".
Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hướng mạnh tới thị trường xuất khẩu, cần phải thay đổi tư duy, đề ra những giải pháp hiệu quả để khắc phục sự manh mún, tự phát, nhỏ lẻ của ngành nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp, khắc phục tình trạng "manh mún, nhỏ lẻ, tự phát" của ngành nông nghiệp, hướng mạnh tới phát triển nền nông nghiệp sạch, nền nông nghiệp hữu cơ và vươn ra thị trường xuất khẩu với quy mô lớn hơn, chất lượng cao hơn.
Đình Hải-Lê Sơn (thực hiện)