Theo đó, đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Báo cáo kiến nghị tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá các bộ, ngành trong việc thực hiện trách nhiệm giải quyết các kiến nghị của cử tri; lấy kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Bộ trưởng, trưởng ngành; có hình thức xử lý khi cá nhân, đơn vị thiếu trách nhiệm trong giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri. Đặc biệt, quan tâm tới công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật liên quan đến chế độ, chính sách, các quy định trong kinh doanh, sản xuất mang tính chất chuyên môn, chuyên ngành… để từng bước giảm dần số lượng các kiến nghị, phản ánh của cử tri do thiếu thông tin, hiểu biết về một số quy định của pháp luật.
Tổ chức Hội nghị toàn quốc về “Công tác giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri” để nâng cao chất lượng; đồng thời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác này (như công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và giữa bộ, ngành với địa phương trong giải quyết kiến nghị của cử tri…).
Đồng thời kiến nghị xem xét, giải quyết ngay một số vấn đề cụ thể như: Xem xét ban hành văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết 76 kiến nghị của cử tri đã được các bộ, ngành hoàn thành dự thảo văn bản và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành 18 văn bản hướng dẫn thi hành đối với 11 luật và sửa đổi 49 văn bản quy phạm pháp luật theo kiến nghị của cử tri, bảo đảm đúng lộ trình đã cam kết với cử tri. Chỉ đạo Bộ NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT thống nhất ngay về tiêu chí phân loại đất lâm nghiệp và đất có rừng đang được quy định khác nhau tại các thông tư của mỗi bộ. Có biện pháp nhắc nhở, xử lý ngay những trường hợp chưa thực hiện nghiêm túc việc công khai lịch tiếp công dân…
Báo cáo cũng nêu lên các kiến nghị cụ thể đối với các bộ, ngành trong xây dựng kế hoạch giải quyết, xử lý các tồn tại, hạn chế cũng như triển khai các nhiệm vụ, vụ việc cụ thể về công tác giải quyết kiến nghị của cử tri.
Nguyễn Hoàng