Ảnh: VTV.vn |
Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 38 năm 2018 tiếp tục tìm kiếm và tôn vinh những tác phẩm xuất sắc nhất đã phát sóng trong năm trên hệ thống các kênh truyền hình Việt Nam ở 9 thể loại: Chương trình dành cho thiếu nhi, Phim tài liệu, Phóng sự, Chương trình Chuyên đề - Khoa giáo, Chương trình Giao lưu - Đối thoại - Tọa đàm, Chương trình truyền hình tiếng dân tộc thiểu số, Chương trình Ca múa nhạc, Chương trình Sân khấu và Phim truyện truyền hình.
Điểm mới đáng chú ý là từ kỳ liên hoan này, những phim truyện truyền hình có kịch bản chuyển thể hoặc phỏng theo tác phẩm văn học nước ngoài cũng được tham gia dự thi. Bên cạnh đó, đây là kỳ liên hoan đầu tiên, thể loại phim tài liệu mở rộng xét giải với các phim tài liệu dài tập.
Bên cạnh đó, nắm bắt xu thế phát triển và đáp ứng sự quan tâm của những người làm truyền hình trong bối cảnh hiện nay, trong khuôn khổ liên hoan, 2 hội thảo với chủ đề “Mạng xã hội và truyền hình”, “Giải pháp sử dụng thiết bị cơ động, nhỏ gọn cho sản xuất chương trình” sẽ được tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước và tinh thần khuyến khích đổi mới - bắt kịp xu hướng - hợp tác cùng phát triển.
Trong quá trình chấm điểm các tác phẩm dự thi (được tiến hành từ ngày 17/12), Ban Giám khảo đã nêu một số nhận xét rất đáng chú ý.
NSND Hoàng Dũng, Trưởng Ban Giám khảo thể loại sân khấu nói rằng có rất nhiều tín hiệu vui.
Điều đầu tiên là việc một số đoàn nhiều năm không dự thi thể loại này thì nay đã có tác phẩm dự thi (Nghệ An, Ninh Bình, Hà Nội...). Nhưng điểm đáng chú ý là nhiều đơn vị đã bỏ công sức đầu tư nên các tác phẩm có chất lượng nổi trội hẳn về tư duy làm nghề, đạo diễn, diễn viên...
Theo NSND Hoàng Dũng, sân khấu truyền hình ngoài những yếu tố về nghệ thuật của bộ môn sân khấu thì phải bám sát và phản ánh được thực tế cuộc sống đang diễn ra, những vấn đề mang tính thời sự, những vấn đề nóng của xã hội... Chỉ có như vậy, sân khấu truyền hình mới có “đất sống”.
Chẳng hạn, có đơn vị đã lấy một vấn đề trong ngành giáo dục để làm chủ đề cho tác phẩm. Về cách thể hiện, có tác phẩm mang sắc thái hiện đại, có tác phẩm đan xen thể thoại dân ca, vùng miền… Đây được xem là điểm nhấn của sân khấu truyền hình ở kỳ liên hoan này.
Với thể loại phim truyền hình, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Trưởng Ban Giám khảo nhận xét hầu hết những tác phẩm được lựa chọn đều có chất lượng, khá đa dạng. Các bộ phim có điểm chung là đều lựa chọn những tác phẩm có thông điệp mang tính nhân văn.
Trong khi đó, đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng, Thành viên Ban Giám khảo Phim truyện truyền hình cho rằng số lượng phim truyền hình dài tập dự thi lần này không nhiều, tuy nhiên, dù "ít nhưng mà tinh" do được chú trọng về góc nhìn mới, cách thể hiện mới…
Cũng như các kỳ liên hoan trước, kỳ liên hoan này, phóng sự vẫn là thể loại có số lượng tác phẩm nhiều nhất với gần 150 tác phẩm.
Đây cũng là thể loại có sự cạnh tranh gay gắt nhất giữa các đơn vị dự thi với đề tài phong phú, phản ánh những vấn đề thời sự của nhiều địa phương trong năm qua.
Chẳng hạn, nhiều phóng sự điều tra nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận như: “Thị trường ngầm mua bán nội tạng tại Việt Nam”, “Phức tạp hoạt động bảo kê tại chợ Long Biên” (Ban Thời sự, Đài THVN); “Những chiêu trò khiến đường trong nước khốn đốn” (Truyền hình CAND); “Cơn bão tín dụng đen” (Đài PT-TH Bắc Giang)...
Điều đáng chú ý là trong khuôn khổ liên hoan, hội thảo “Mạng xã hội và truyền hình” cũng được tổ chức.
Tại đây, các đại biểu cùng thảo luận, nghe thuyết trình về những vấn đề như xu thế phát triển của truyền hình thế giới và khả năng ứng dụng tại Việt Nam; những công cụ kỹ thuật để vận hành, ứng dụng nền tảng mạng xã hội trên truyền hình; tính năng của Facebook có thể ứng dụng trên các chương trình truyền hình…
Đại diện các Ban Giám khảo Liên hoan Truyền hình lần thứ 38. Ảnh: VTV.vn |
Tối 19/12, lễ khai mạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 38 năm 2018 được tổ chức tại Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), đánh dấu những hoạt động chính thức trong ngày hội lớn của những người làm truyền hình cả nước lần đầu tiên diễn ra ở Thành phố ngàn hoa Đà Lạt.
Theo Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh, kỳ liên hoan này là dịp những người làm truyền hình cả nước gặp gỡ, trao đổi để nhìn rõ hơn những khó khăn, thách thức to lớn của truyền hình truyền thống khi phải “sống trong xã hội truyền thông số”. Điều đó khiến truyền hình phải thay đổi cách làm để khán giả tiếp nhận sản phẩm truyền hình. Qua đó, duy trì ảnh hưởng của báo chí chính thống, trong đó có các đài truyền hình trong đời sống và không để mạng xã hội lấn át./.
Thanh Xuân