In bài viết

Đề xuất 2 phương án cơ cấu tổ chức Ban Quản lý KCN, KKT

(Chinhphu.vn) – Tại dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT), liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Bộ Nội vụ đề xuất 2 phương án cơ cấu tổ chức Ban Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế.

02/12/2014 17:36

 

Ảnh minh họa

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, về cơ cấu tổ chức Ban Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế (Ban Quản lý), theo thống kê của Bộ này, hiện Văn phòng/Phòng Hành chính-Tổ chức có ở 100% các Ban quản lý; 40% các Ban quản lý có Phòng Đầu tư, Phòng Doanh nghiệp và Phòng Quy hoạch Xây dựng riêng. Cơ cấu và tên gọi Phòng ban chuyên môn còn lại của các Ban Quản lý là rất khác nhau. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban Quản lý cũng không thống nhất giữa các địa phương. Ngoài các trung tâm dịch vụ hỗ trợ đầu tư, việc làm, công ty phát triển hạ tầng, một số Ban quản lý còn thành lập các loại hình đơn vị sự nghiệp khác (ví dụ như: trường dạy nghề, Ban đền bù GPMB, trung tâm quan trắc môi trường…).

Vì vậy, để thống nhất trong cơ cấu tổ chức và tạo điều kiện cho địa phương có sự linh hoạt trong cơ cấu tổ chức phù hợp với đặc điểm từng địa phương, dự thảo đề xuất quy định cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý bao gồm: Các Phòng ban thuộc cơ cấu tổ chức cứng, các Phòng, ban, đơn vị sự nghiệp trực thuộc tùy chỉnh theo nhu cầu và thực tế của các địa phương; giới hạn số lượng tối đa các phòng, ban và lãnh đạo Ban.

Cụ thể, dự thảo đề xuất 2 phương án, phương án 1, các phòng thuộc cơ cấu tổ chức cứng, bao gồm: Văn phòng, Phòng có chức năng tổng hợp. Trong đó, Phòng có chức năng tổng hợp sẽ thực hiện các nhiệm vụ về tổng hợp, báo cáo về chính sách chung, xây dựng kế hoạch xây dựng và phát triển, kế hoạch đầu tư phát triển KCN, KKT. Các phòng chuyên môn nghiệp vụ thuộc các lĩnh vực quản lý đầu tư, doanh nghiệp, môi trường, quy hoạch, xây dựng, thương mại… và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sẽ do UBND cấp tỉnh quyết định.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phương án này có thuận lợi là: Tăng sự chủ động của UBND cấp tỉnh trong tổ chức bộ máy của Ban Quản lý. Đồng thời, phù hợp với thẩm quyền của UBND cấp tỉnh trong xây dựng chính quyền địa phương quy định tại Điều 95 Luật Tổ chức hội đồng nhân dân và UBND năm 2003.

Bên cạnh đó, hiện nay, việc phân cấp, ủy quyền các nhiệm vụ chuyên ngành cho Ban Quản lý tại các địa phương là khác nhau. Do đó, cơ cấu tổ chức các phòng chuyên môn của Ban Quản lý không thống nhất giữa các địa phương. Cụ thể trong lĩnh vực lao động, một số Ban Quản lý được ủy quyền như: Ban Quản lý KKT Dung Quất, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai… nhưng cũng có Ban Quản lý không được ủy quyền như: Ban Quản lý các KCN Ninh Thuận, Ban Quản lý KKT Cà Mau… Một số Ban Quản lý được ủy quyền về lao động nhưng nhập chức năng quản lý lao động với chức năng quản lý doanh nghiệp hoặc chức năng khác để thành lập phòng chuyên môn đa ngành, ví dụ như: Phòng Lao động Doanh nghiệp (Ban Quản lý các KCN Nam Định), Phòng thương mại công nghiệp lao động (Ban Quản lý KKT Kiên Giang). Việc các địa phương chủ động tổ chức, sắp xếp các phòng chuyên môn không gây ra nhiều xáo trộn về cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý khi tổ chức lại theo quy định.

Phương án này cũng sẽ phù hợp với thực tế là trình độ phát triển các KCN, KKT khác nhau nên cần cơ cấu tổ chức các phòng chuyên môn khác nhau.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, với phương án 1 này, tính hướng dẫn của quy định tại dự thảo trong tổ chức các phòng chuyên môn của Ban Quản lý không cao.

Đối với phương án 2, dự thảo đề xuất các phòng thuộc cơ cấu tổ chức cứng, bao gồm: Văn phòng, Phòng có chức năng tổng hợp. Đồng thời, quy định cụ thể các phòng chuyên môn là: Phòng quản lý đầu tư, Phòng quản lý doanh nghiệp, Phòng quản lý lao động, Phòng quản lý môi trường, Phòng quản lý quy hoạch và xây dựng, Phòng quản lý thương mại và xuất nhập khẩu. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tên các Phòng chuyên môn nêu trên có tính phổ biến nhất trong cơ cấu tổ chức của các Ban Quản lý. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sẽ do UBND cấp tỉnh quyết định.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phương án 2 có thuận lợi là cơ cấu và tên gọi các Phòng chuyên môn của Ban Quản lý được quy định rõ hơn. Tuy nhiên, phương án này không linh hoạt trong tổ chức các Phòng chuyên môn của Ban Quản lý; gây ra xáo trộn trong cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý khi tổ chức lại theo quy định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên website của Bộ.

Tuệ Văn