Sáng 14/8, tại phiên họp thứ 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi).
Luật Thủy sản áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động thủy sản trong nội địa, đảo, quần đảo và vùng biển Việt Nam; tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam.
Tại phiên họp, UBTVQH đã nghe báo cáo giải trình, thảo luận về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau liên quan đến chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy sản; về thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khu bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; nguồn tài chính, Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; lực lượng kiểm ngư; khai thác thủy sản;…
Đề cập đến chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy sản, nhiều ý kiến đề nghị cần sắp xếp lại các nội dung về chính sách cho logic, rõ ràng, phân định rõ trách nhiệm của Nhà nước, tư nhân trong hoạt động thủy sản; bổ sung chính sách đầu tư phát triển hoạt động thủy sản; đầu tư đánh bắt thủy sản xa bờ, hỗ trợ nuôi trồng thủy sản và hiện đại hóa tàu cá...
Khẳng định vai trò quan trọng của lực lượng chấp pháp trên biển, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng cần có tổng kết, đánh giá tổng thể về hoạt động kiểm ngư thời gian qua, qua đó xây dựng các quy định cụ thể hơn, bài bản hơn trong dự án Luật về tổ chức lực lượng kiểm ngư, bảo đảm sát với yêu cầu, nhiệm vụ thực tế đặt ra.
Về lực lượng kiểm ngư (Chương VI), trong báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý những vấn đề lớn dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày cho biết ý kiến của các ĐBQH đều thống nhất có kiểm ngư Trung ương. Riêng về kiểm ngư cấp tỉnh còn có ý kiến khác nhau, đó là thành lập kiểm ngư tại tất cả 28 tỉnh, thành phố ven biển (phương án Chính phủ trình) hoặc chỉ thành lập kiểm ngư ở một số tỉnh, thành phố ven biển có tính đặc thù.
Nghiên cứu, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng việc tổ chức lực lượng kiểm ngư ở tỉnh, thành phố ven biển là cần thiết và đề xuất 2 phương án. Theo đó phương án 1, thành lập kiểm ngư Trung ương ở tất cả 28 tỉnh, thành phố có biển như Chính phủ trình và phương án 2 là chỉ thành lập kiểm ngư tại một số tỉnh cần thiết, có tính đặc thù, đáp ứng đủ tiêu chí quy định. Theo phương án này, dự thảo Luật đã quy định tiêu chí thành lập cơ quan kiểm ngư cấp tỉnh tại Khoản 4 Điều 90.
Nhấn mạnh quan điểm cần có đánh giá tổng kết về hoạt động của lực lượng kiểm ngư thời gian qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cần tiếp tục làm rõ hơn quy định trong Điều 90 về cơ quan kiểm ngư, trong đó cách tiếp cận cần nêu rõ các vấn đề về nguyên tắc, hệ thống cơ quan kiểm ngư; ghi rõ cơ quan quản lý nhà nước đối với kiểm ngư là Bộ NN&PTNT, tương tự nếu có ở cấp tỉnh thì cũng phải ghi,…
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án luật tiếp thu ý kiến của UBTVQH để hoàn chỉnh, xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, sau đó báo cáo lại UBTVQH xem xét và trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 4 tới.
Nguyễn Hoàng