Theo quy định tại Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, những trường hợp cấm kết hôn bao gồm: 1- Người đang có vợ hoặc có chồng; 2- Người mất năng lực hành vi dân sự; 3- Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; 4- Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; 5- Giữa những người cùng giới tính.
Bộ Tư pháp cho biết, về kết hôn giữa những người cùng giới hiện còn có 2 ý kiến khác nhau.
Ý kiến thứ nhất cho rằng, trong giai đoạn hiện nay Nhà nước ta chưa nên thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính nhưng trong Luật Hôn nhân và gia đình cần phải có các quy định để một mặt góp phần ngăn ngừa thái độ kỳ thị đối với những người cùng giới tính, mặt khác, tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các quan hệ về tài sản và con (nếu có) trong trường hợp họ sống chung với nhau như vợ chồng.
Ý kiến này xuất phát từ lý do vấn đề hôn nhân đồng giới là vấn đề nhạy cảm. Do đó, việc luật hóa hôn nhân giữa những người cùng giới tính cũng cần phải được xem xét, cân nhắc, nhìn nhận trên nhiều khía cạnh khác nhau, đặc biệt là phải có lộ trình, bước đi phù hợp. Trong bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay, bước đi phù hợp nhất của pháp luật Việt Nam là Nhà nước ta không nên can thiệp hành chính vào quyền được sống theo bản dạng giới, khuynh hướng tính dục của người đồng tính; cần tôn trọng việc sống chung như vợ chồng của họ cũng như các thỏa thuận của họ trong việc xác lập và giải quyết các vấn đề phát sinh từ cuộc sống chung của họ; đồng thời cần có những quy định pháp luật thích hợp để giúp họ giải quyết một cách ổn thỏa các hậu quả pháp lý của việc sống chung này nhằm góp phần bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng của các đương sự và sự ổn định của các quan hệ xã hội.
Kinh nghiệm một số nước trên thế giới cho thấy, nhiều nước cũng giải quyết vấn đề này một cách có lộ trình, tức là trước hết, Nhà nước thừa nhận quyền chung sống như vợ chồng của người đồng tính rồi sau đó mới có quy định về thừa nhận hôn nhân giữa những người này. Ví dụ: Hà Lan quy định về việc đăng ký kết hợp dân sự giữa những người cùng giới tính vào năm 1998, nhưng đến năm 2001 mới thừa nhận chính thức hôn nhân hợp pháp giữa người cùng giới; Canada thừa nhận quyền chung sống của người đồng tính vào năm 1999, đến năm 2005 mới được thừa nhận quyền hôn nhân giữa họ với nhau; Cộng hòa Pháp thừa nhận quyền chung sống của người đồng tính từ năm 1999 và đến năm 2013 mới thừa nhận hôn nhân đồng giới... Tại châu Á, Trung Quốc và Ấn Độ không thừa nhận hôn nhân đồng tính, nhưng đã hợp pháp hóa quan hệ đồng tính vào năm 1997 (Trung Quốc), 2009 (Ấn Độ).
Ý kiến thứ hai lại cho rằng, quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính là không phù hợp với chức năng xã hội của hôn nhân cũng như với quan niệm truyền thống về hôn nhân và gia đình ở nước ta. Do đó, cần tiếp tục duy trì quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính như quy định hiện hành.
Bộ Tư pháp cho biết, Bộ đồng ý với ý kiến thứ nhất và tại dự thảo Luật đã đề xuất bãi bỏ khoản 5 Điều 10 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, đồng thời bổ sung quy định về giải quyết hậu quả việc sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính.
Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này tại website của Bộ.
Tuệ Văn