Theo TS. Nguyễn Huy Quang, có những cái chết nhẹ nhàng, thanh thản, nhưng cũng có trường hợp bệnh nhân chết trong đau đớn như: Ung thư giai đoạn cuối, hoặc bị khủng hoảng về sức khỏe và tinh thần… Những trường hợp này, họ mong muốn được chết.
“Vì vậy, chúng ta cũng nên xem xét đưa quyền này vào luật để những người có nhu cầu khi chết được ra đi thanh thản, nhẹ nhàng, không phải ra đi trong đớn đau, khủng khoảng, sang chấn về tinh thần”, TS. Quang nhấn mạnh.
Còn GS.TS Đỗ Kim Sơn, nguyên Giám đốc BV Việt Đức chia sẻ, ông đã chứng kiến rất nhiều bệnh nhân mắc các chứng bệnh, hoặc bệnh đã ở giai đoạn mà ngay cả các quốc gia có trình độ tiên tiến về y tế, cũng không còn khả năng cứu chữa. Mặc dù chưa có thống kê, song những bệnh nhân như thế này ở nước ta có số lượng đáng kể. Nhiều bệnh nhân không muốn kéo dài một cuộc sống đau đớn và không còn hy vọng.
Theo GS.TS Đỗ Kim Sơn, khi đưa quyền này vào luật, phải có tiêu chí xác định đâu là trường hợp không còn hy vọng sống về mặt khoa học thì mới cho phép, còn những trường hợp khác muốn chết vì những lý do khác thì phải ngăn, vì đó là tiêu cực. Vì vậy, luật phải quy định chặt chẽ để vấn đề này không bị lạm dụng.
Trước những băn khoăn về việc liệu đưa quyền chết vào luật có ảnh hưởng tới y đức của người thầy thuốc, có trái với lời thề Hypocrat không, TS. Nguyễn Huy Quang cho rằng, quan điểm của ngành Y là cứu người bệnh đến hơi thở cuối cùng, còn nước còn tát, nhưng nếu pháp luật cho phép quyền được chết, thì việc bác sĩ giúp đỡ bệnh nhân trở về thế giới bên kia trong thanh thản, nhẹ nhàng thì đó cũng là y đức, vì thế, hành vi này không mâu thuẫn với lời thề Hypocrat.
Tuy nhiên, để thực hiện quyền chết nhân đạo, cần phải có quy định những bệnh gì, chỉ số sinh tồn như thế nào… Trên cơ sở đó, phải có hội đồng y khoa với các nhà chuyên môn y tế để xem xét có nên cho phép chết nhân đạo hay không.
Khi đã xác định được những chỉ số trên, cùng với việc gia đình và người bệnh đều đồng ý thì cái chết nhân đạo mới được thực hiện.
Thúy Hà