Nhà nước có chính sách ưu đãi về tài chính đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử
Theo dự thảo, nhà nước ưu tiên đầu tư có trọng điểm và khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế đầu tư vào hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Nhà nước có chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Nhà nước có chính sách ưu đãi về tài chính đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Nhà nước có trách nhiệm xây dựng, vận hành, khai thác hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về các hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trên phạm vi cả nước.
Dự thảo cũng nêu rõ, nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử, cơ sở bức xạ, cơ sở tiến hành công việc bức xạ được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về xã hội hóa, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng, bền vững, hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người bệnh và cộng đồng; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức thành lập quỹ hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử.
Hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử bao gồm:
a- Đầu tư thành lập tổ chức khoa học và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, cơ sở bức xạ, cơ sở tiến hành công việc bức xạ.
b- Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thành lập tổ chức khoa học và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, cơ sở bức xạ, cơ sở tiến hành công việc bức xạ.
c- Vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân.
d- Thuê, cho thuê tài sản.
đ- Mua trả chậm, trả dần; thuê, mượn một số thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân.
e- Tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
g- Hình thức khác theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Việc thực hiện thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đối với cơ sở sự nghiệp công của Nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Theo dự thảo, nhà nước có chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài và tổ chức quốc tế tham gia thực hiện chương trình này.
Người học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử bậc đại học và sau đại học được Nhà nước trả chi phí đào tạo và được cấp học bổng nếu học ở trong nước và hỗ trợ chi phí đào tạo nếu học ở nước ngoài.
Nhà nước có chính sách ưu đãi, thu hút nhân lực trình độ cao, chuyên gia trong và ngoài nước làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đạt loại giỏi trở lên vào làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng năng lượng nguyên tử của Nhà nước.
Người làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Minh Hiển