Ảnh minh họa |
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2019 có nhiều sửa đổi, bổ sung lớn liên quan đến lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới theo hướng hiện đại, phù hợp hơn với bối cảnh mới của quan hệ lao động trong kinh tế thị trường, thực thi các cam kết quốc tế liên quan của Việt Nam, thay đổi căn bản trong cách tiếp cận từ bảo vệ lao động nữ sang bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới. Các nội dung sửa đổi, bổ sung này tập trung tại chương X “Những quy định riêng đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới (từ Điều 135 đến Điều 142); đồng thời tại một số chương khác cũng có những điểm sửa đổi mới liên quan đến lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới như: quy định về quấy rối tình dục tại nơi làm việc (Điều 3), quy định về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8), quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (Điều 35), quy định về tuổi nghỉ hưu (Điều 169)…
Riêng tại Chương X, Bộ luật đã dành ra một điều (Điều 135) quy định chính sách của Nhà nước đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới và giao Chính phủ quy định chi tiết, bao gồm: Chính sách bảo đảm quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới và phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ, lao động nam có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà; biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hòa giữa công việc và gia đình; chính sách giảm thuế đối với người sử dụng lao động có sử dụng nhiều lao động nữ theo quy định của pháp luật về thuế; kế hoạch, biện pháp tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động; mở rộng nhiều loại hình đào tạo thuận lợi cho lao động nữ có thêm nghề dự phòng và phù hợp với đặc điểm về cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các chính sách đối với lao động nữ trong Bộ luật Lao động năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2015/NĐ-CP ngày 1/10/2015 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ. Qua 4 năm triển khai thực hiện, những quy định của Nghị định 85/2015/NĐ-CP đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ lao động nữ, bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới trên thực tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được, thực tế thực hiện đã phát sinh một số vấn đề bất cập, gồm:
Một là, Nghị định số 85/2015/NĐ-CP chủ yếu quy định chi tiết các quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 về bảo vệ lao động nữ mà chưa chú trọng các quy định nhằm thể chế hóa chính sách của Nhà nước nhằm bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động.
Hai là, một số quy định bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới tuy hợp lý, nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là các quy định về cơ chế, nguồn lực thực thi (như chính sách ưu đãi về thuế, việc xây dựng nhà trẻ, nhà mẫu giáo, tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động cho lao động nữ,…).
Ba là, chưa có quy định chi tiết về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc (như các quy định nhận diện hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc; các biện pháp duy trì và xây dựng môi trường làm việc không có quấy rối tình dục; trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống quấy rối trình dục tại nơi làm việc,…).
Để thực thi các quy định mới của Bộ luật Lao động 2019, đặc biệt là những quy định về bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới; khắc phục những khó khăn, vướng mắc của các quy định hiện hành về lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, việc ban hành Nghị định quy định chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới là hết sức cần thiết.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.