Theo Bộ Quốc phòng, Nghị định số 37/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bao quát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Lăng, xác định trách nhiệm của các tổ chức chuyên trách phối thuộc và tổ chức trực thuộc, bảo đảm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ chính trị được giao và phù hợp với tình hình thực tiễn đặt ra.
Tuy nhiên, gần 10 năm thực hiện Nghị định số 37/2008/NĐ-CP, bên cạnh những mặt thuận lợi, còn có những khó khăn nhất định, cần bổ sung hoàn chỉnh một số nội dung, nhiệm vụ mới, tạo cơ sở pháp lý phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Hiện nay, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được bổ sung nhiều nhiệm vụ mới, mang tính chính trị đặc thù, cụ thể như: Thực hiện Thông báo số 328-TB/TW ngày 19/4/2010 của Ban Chấp hành Trung ương thông báo kết luận của Bộ Chính trị về Đề án “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”; Quyết định số 2341/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa Công trình Lăng trong giai đoạn mới” tôn tạo, mở rộng Khu Di tích K9 thành địa điểm tham quan, học tập, giáo dục truyền thống cho đồng bào trong nước và khách quốc tế.
Vì vậy, Bộ Quốc phòng xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 37/2008/NĐ-CP là cần thiết, phù hợp với các văn bản pháp luật mới và yêu cầu thực tiễn của Ban Quản lý Lăng.
Bổ sung một số chức năng
Bên cạnh việc kế thừa các chức năng quy định, dự thảo đề xuất: Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là cơ quan thuộc Chính phủ, có chức năng chỉ đạo, phối hợp các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; quản lý, vận hành, bảo đảm hệ thống hạ tầng kỹ thuật Công trình Lăng và các công trình có liên quan; bảo đảm an ninh, nghi lễ; tổ chức đón tiếp, tuyên truyền cho nhân dân và khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và tham quan Khu Di tích K9 (tại Đá Chông, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội); sản xuất, chăm sóc cây hoa, cây cảnh, trang trí, bảo đảm vệ sinh môi trường tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, Khu đón tiếp nhân dân và các công trình, kiến trúc liên quan. Đồng thời, tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công theo quy định pháp luật.
Ban Quản lý Lăng chịu sự quản lý nhà nước của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.
Cơ cấu tổ chức
Cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Lăng gồm: 1- Văn phòng Ban Quản lý Lăng; 2- Các đơn vị sự nghiệp công lập (gồm: Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình; Trung tâm Khoa học, Công nghệ và Môi trường); 3- Các đơn vị chuyên trách phối thuộc (gồm: Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng và Trung đoàn 375, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an).
Trưởng ban Ban Quản lý Lăng là người đứng đầu Ban Quản lý Lăng, là cán bộ cấp tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và pháp luật về mọi mặt hoạt động của Ban Quản lý Lăng.
Phó Trưởng ban Ban Quản lý Lăng là cấp phó của người đứng đầu Ban Quản lý Lăng, gồm Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng và Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm trên cơ sở đề nghị của Trưởng ban Ban Quản lý Lăng; có trách nhiệm giúp Trưởng ban Ban Quản lý Lăng chỉ đạo, giải quyết một số lĩnh vực công tác và chịu trách nhiệm trước Trưởng ban Ban Quản lý Lăng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Số lượng Phó Trưởng ban Ban Quản lý Lăng không quá 2 người.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Lưu Thủy