In bài viết

Đề xuất cơ chế bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung

(Chinhphu.vn) - Sáng 24/3, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo để góp về 3 dự thảo nghị định để thực hiện trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn tới.

24/03/2023 17:51
Bộ Nội vụ xin ý kiến về dự thảo Nghị định về bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/LS

3 dự thảo nghị định liên quan đến cán bộ, công chức 

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, 3 nghị định (Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; Nghị định quy định tinh giản biên chế; Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố) liên quan đến việc tạo điều kiện cho sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tới đây.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, nếu triển khai các nội dung của nghị định không đồng bộ thì việc tham mưu cho Chính phủ các cơ chế, chính sách, quy định cụ thể để tới đây thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị cũng như Kết luận 48 của Bộ Chính trị về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; sắp xếp các tổ chức hành chính, các đơn vị sự nghiệp sẽ gặp khó khăn và vướng mắc.

Bộ trưởng nhấn mạnh, năm 2023, 2024 là thời điểm tập trung cao nhất để sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, vì vậy đòi hỏi phải triển khai khối lượng công việc này hết sức khẩn trương, quyết liệt. Mặc khác phải chuẩn bị đủ các cơ chế, chính sách để tổ chức thực hiện.

Bộ trưởng cho biết, Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố là một nội dung đột phá. Theo đó, sẽ tăng thêm biên chế đối với cấp xã nên phải báo cáo Bộ Chính trị để bổ sung số biên chế này.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà lưu ý, việc xây dựng 3 nghị định vừa là quán triệt, vừa là thể chế hóa các nghị quyết của Đảng cũng như các bộ luật có liên quan vì vậy các nội dung thảo luận phải rõ, đạt để khi triển khai thực hiện thực sự khả thi, thiết thực, thúc đẩy cho phát triển chung của đất nước, địa phương, đơn vị và ngành nội vụ.

2 loại ý kiến về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm

Ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ cho biết, quan điểm soạn thảo 3 nghị định là quán triệt đầy đủ các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Quốc hội về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Đồng thời, cũng kế thừa và phát huy những quy định còn hiệu quả; xử lý khắc phục những bất cập đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền cho địa phương; giảm tối đa thủ tục hành chính và bảo đảm toàn diện, liên thông, đầy đủ các đối tượng; quy định phải cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng, dễ thực hiện.

Đối với dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, hiện đang có 2 loại ý kiến.

Ý kiến thứ nhất: Đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước.

Ý kiến thứ hai: Đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước (kể cả cán bộ, công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý).

Đối với dự thảo Nghị định quy định về tinh giản biên chế, ông Nguyễn Quang Dũng cho biết, hiện đang có 2 phương án để thực hiện.

Phương án 1: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng.

Phương án 2: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp bằng 1.800.000 đồng (bằng 1 tháng lương cơ sở áp dụng từ ngày 1/7/2023). “Bộ Nội vụ đề nghị thực hiện theo phương án 1 để có chính sách đủ mạnh khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nghỉ ngay”, ông Lê Quang Dũng nhấn mạnh.

Đối với dự thảo Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố, đề xuất không quy định chức danh công chức Trưởng Công an xã (do đã bố trí Công an chính quy ở xã). Trên cơ sở khoán tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã (đối với phường loại I - II - III tương ứng là 23 - 21 - 19 người, đối với xã và thị trấn loại I - II - III tương ứng là 22 - 20 - 18 người) và khoán tổng số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo quy định hiện hành (đối với cấp xã loại I - II - III tương ứng là 14 - 12 - 10 người), bổ sung quy định tăng thêm số lượng công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã ở những đơn vị hành chính cấp xã có dân số lớn hơn so với tiêu chuẩn về quy mô dân số.

Cụ thể, tại các phường thuộc quận: Cứ tăng thêm đủ 1/3 mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 1 công chức và 1 người hoạt động không chuyên trách. Các đơn vị hành chính còn lại: Cứ tăng thêm đủ 1/2 mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 1 công chức và 1 người hoạt động không chuyên trách.

Động viên cán bộ mạnh dạn đề xuất ý tưởng, cách làm đột phá

Đặc biệt, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Mục đích của dự thảo nhằm tạo cơ sở pháp lý, cơ chế để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.

Động viên cán bộ tích cực phát huy trí tuệ sáng tạo, mạnh dạn đề xuất ý tưởng, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.

Đồng thời, ngăn ngừa, xử lý nghiêm những cán bộ lợi dụng chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Về khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, nhiều ý kiến cơ bản tán thành với quy định: Khi có đề xuất đổi mới, kế hoạch hoặc đề án được phê duyệt và triển khai thực hiện tạo sự chuyển biến, tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao thì được khuyến khích bằng các hình thức như: Được tuyên dương, biểu dương trước tập thể cơ quan, đơn vị và được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Trong đánh giá hoàn thành nhiệm vụ cuối năm, được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được ưu tiên, tạo điều kiện trong đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chế độ, chính sách khác đối với cán bộ; được quy hoạch, bổ nhiệm vào vị trí cao hơn vị trí đang đảm nhiệm hoặc được bổ nhiệm, quy hoạch vượt cấp.

Cơ quan quản lý trực tiếp của cán bộ có hình thức ghi nhận, áp dụng và nhân rộng, bảo vệ kết quả đổi mới, sáng tạo; tạo điều kiện, hỗ trợ về vật chất và tinh thần, các hình thức khuyến khích khác phù hợp với tổ chức, hoạt động, địa bàn của cơ quan, đơn vị nơi cán bộ công tác.

Nhiều ý kiến cũng nhất trí về quy định cán bộ có ý tưởng, phát minh, sáng chế, sáng tạo ngoài phạm vi chức trách, nhiệm vụ được giao, được khuyến khích thực hiện và bảo vệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, khoa học và công nghệ và pháp luật khác có liên quan.

Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm sâu sắc của các đại biểu là quy định về bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá.

Theo các đại biểu, việc quy định này là sự bảo đảm về mặt pháp lý để cán bộ mạnh dạn đề xuất thực hiện các kế hoạch, đề án. Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung được áp dụng các biện pháp bảo vệ theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Lê Sơn