In bài viết

Đề xuất cơ chế thí điểm phát triển mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ

(Chinhphu.vn) - Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ KH&CN trong năm 2022 là nghiên cứu, đề xuất cơ chế thí điểm phát triển loại hình doanh nghiệp KH&CN tại các viện nghiên cứu, trường đại học theo mô hình doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off).

08/01/2022 10:16
Đề xuất cơ chế thí điểm phát triển mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ - Ảnh 1.

Không gian làm việc chung của BK Holdings - một doanh nghiệp phụ trách chuyển giao công nghệ và thành lập spin-off từ Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: BK Holdings

Mô hình spin-off được hiểu là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KH&CN, được hình thành trong các trường đại học, các viện nghiên cứu để thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu khoa học do chính các nhà khoa học nắm giữ công nghệ hay bằng sáng chế.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, khi mô hình tự chủ đại học ra đời, cùng với tinh thần quốc gia khởi nghiệp đã cho phép hình thành các doanh nghiệp trong trường đại học.

Thực tế hiện nay cho thấy mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) đã được quan tâm nhiều, tuy nhiên mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ (spin-off) thì chưa được quan tâm đúng mức, chưa thực sự có những cơ chế để khuyến khích thúc đẩy mô hình này phát triển ở các trường đại học.

Hiện Việt Nam có khoảng 237 trường đại học, 16.500 tiến sĩ, 574 giáo sư và 4.113 phó giáo sư. Hằng năm đào tạo khoảng 1.500 tiến sĩ, 36.000 thạc sĩ, gần 1,5 triệu sinh viên đại học và khoảng vài nghìn đề tài nghiên cứu khoa học các cấp được triển khai từ các trường đại học. Rất nhiều đề tài, quy trình công nghệ, sản phẩm khoa học có tiềm năng ứng dụng vào thực tiễn, nhưng chỉ một số khiêm tốn được chuyển giao hay thương mại hóa để tạo ra giá trị gia tăng cao, phục vụ quốc kế dân sinh. Điều này gây lãng phí nguồn lực của xã hội.

Mô hình doanh nghiệp spin-off đã rất thành công ở nhiều trường ĐH trên thế giới, như Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), ĐH KU Leuven (Bỉ), ĐH Wageningen (Hà Lan) và ĐH Queensland (Australia) hằng năm tạo ra khoảng 100-200 doanh nghiệp spin-off, với doanh thu khá lớn và tạo ra nhiều việc làm.

Theo Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, mô hình này tạo cơ chế thuận lợi để các nhà khoa học tự khởi nghiệp bằng chính các công nghệ của mình, đóng góp tích cực cho sự phát triển thương mại hoá sản phẩm KH&CN; trình diễn, triển lãm giới thiệu sản phẩm khoa học công nghệ, đặc biệt, mở ra nhiều cơ hội kết nối sâu rộng, toàn diện giữa doanh nghiệp trong trường đại học với doanh nghiệp - đối tác trong và ngoài nước.

Để có thể phát huy tiềm năng lợi thế to lớn về trí tuệ, KH&CN, GS.TS Nguyễn Thị Lan cho rằng cần thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách thuận lợi để phát triển mô hình doanh nghiệp KH&CN spin-off tại Việt Nam.

Vướng mắc trong hành lang pháp lý

Việt Nam đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh những vấn đề pháp lý liên quan đến các doanh nghiệp KH&CN nói chung, nhưng doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ hay doanh nghiệp spin-off vẫn chưa được đề cập một cách trực tiếp, cụ thể. Đây có thể xem là một trong những rào cản lớn nhất cho sự hình thành và phát triển mô hình doanh nghiệp spin-off ở Việt Nam hiện nay.

Ngoài ra, còn một số vướng mắc khi áp dụng mô hình doanh nghiệp spin-off trong các trường đại học ở Việt Nam liên quan đến phân chia lợi nhuận thu được từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu; về cơ chế quản lý viên chức tham gia thành lập doanh nghiệp trong các cơ sở nghiên cứu, đào tạo…

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) cho hay, Khoản 3 Điều 28 Nghị định số 70/2018/NĐ-CP quy định việc phân chia lợi nhuận thu được cho Nhà nước khi nhận giao quyền sử dụng để nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm công nghệ, ứng dụng, thương mại hóa kết quả được thực hiện từ khi tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao có lợi nhuận tương ứng với tỉ lệ vốn Nhà nước đã đóng góp vào nhiệm vụ.

Điều này có nghĩa là mức hỗ trợ càng cao thì phần lợi nhuận tương ứng phải trả cho Nhà nước càng lớn. Quy định như vậy không tạo động lực cho tổ chức chủ trì là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và nhà khoa học trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Trong thực tế, quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ đòi hỏi nguồn vốn đầu tư tiếp theo là rất lớn và mang tính rủi ro cao. Nếu yêu cầu hoàn trả cho Nhà nước theo tỉ lệ đóng góp kinh phí cho việc tạo ra kết quả đó thì sẽ không khuyến khích nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia quá trình thương mại hóa.

Đồng thời, việc Nhà nước yêu cầu thu hồi khoản kinh phí đã đầu tư cho nghiên cứu khi giao quyền sẽ không thúc đẩy đơn vị chủ trì đưa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ vào thương mại hóa. Tương tự, nhà nghiên cứu cũng không có động lực tiếp tục tham gia quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ để tạo ra doanh thu, lợi nhuận hoặc góp vốn bằng tài sản trí tuệ để thành lập doanh nghiệp spin-off, spin-out cùng doanh nghiệp và khu vực tư nhân.

Ngoài ra, theo Luật Viên chức thì viên chức trong viện nghiên cứu, trường đại học công lập không được phép tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, mà chỉ có thể tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp (Khoản 3 Điều 14 Luật Viên chức).

Quy định này cũng tạo ra rào cản cho cán bộ quản lý của viện nghiên cứu, trường đại học công lập không thể tham gia quản lý, điều hành công ty spin-off của đơn vị mình. Thường là doanh nghiệp, nhà đầu tư mong muốn tham gia thành lập công ty spin-off gắn với uy tín, trách nhiệm quản lý, điều hành của cán bộ quản lý viện, trường. Một số cán bộ quản lý các ban, khoa, viện, trường đứng trước lựa chọn khi muốn làm giám đốc điều hành công ty spin-off thì phải rời vị trí hiện tại của mình. Quy định này trong thực tế chưa khuyến khích đội ngũ cán bộ có năng lực của viện, trường, nhất là các chủ nhiệm đề án tham gia hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ cùng doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, trong năm 2022, các cơ chế, chính sách giải pháp của Bộ sẽ tập trung để đại học thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu KH&CN. Đặc biệt, Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất cơ chế thí điểm phát triển loại hình doanh nghiệp KH&CN tại các viện nghiên cứu, trường đại học theo mô hình spin-off. Tăng cường gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện nay, muốn thực hiện đề án thử nghiệm liên kết "ba nhà" (Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học) thành lập các doanh nghiệp spin-off sẽ vướng chừng 5-6 bộ luật và chỉ có mô hình sandbox mới hy vọng tháo gỡ được những rào cản pháp lý.

Sandbox là khung thể chế thí điểm, cho phép một số ít doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn nhưng có phạm vi và thời gian xác định, dưới sự giám sát của các nhà quản lý và có các phương án dự phòng rủi ro phù hợp để ngăn hậu quả của sự thất bại mà không ảnh hưởng lớn đến hệ thống tài chính quốc gia.

Hiện Bộ KH&CN đang phối hợp với các đơn vị để xây dựng đề án dựa trên các nhiệm vụ KH&CN để báo cáo Thủ tướng, Quốc hội thông qua.

Hoàng Giang