In bài viết

Đề xuất điều chỉnh quy định xử phạt trong lĩnh vực thú y

(Chinhphu.vn) - Cục Thú y đánh giá cao và ghi nhận ý kiến của ông Hoàng Khánh Hưng về việc bổ sung một số biện pháp cần thiết vào Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y để có thể xử lý dứt điểm nạn giết mổ lậu và kinh doanh thịt không rõ nguồn gốc.

05/10/2021 09:02

Theo phản ánh của ông Hoàng Khánh Hưng (Đồng Nai), hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trái phép (giết mổ lậu) và kinh doanh thịt không qua kiểm soát giết mổ (kinh doanh thịt không rõ nguồn gốc) đang gây ra rất nhiều hệ lụy.

Thông qua việc giết mổ gia súc, gia cầm bệnh, chết và giết mổ gia súc, gia cầm với điều kiện vệ sinh không bảo đảm, hoạt động giết mổ lậu và kinh doanh thịt không rõ nguồn gốc là nguyên nhân chủ yếu làm lây lan, bùng phát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và là “nhà máy” sản xuất thực phẩm không an toàn, không bảo đảm vệ sinh.

Ngoài ra nạn giết mổ lậu cũng đã khiến rất nhiều lò mổ chính thống thua lỗ, đóng cửa, do giết mổ ở các lò mổ chính thống vừa mất chi phí cao, vừa không thuận tiện (ở xa), vì vậy mặc dù các lò mổ chính thống phải đầu tư tiền tỷ nhưng khi đưa vào hoạt động thì không có khách hàng.

Qua quá trình tìm hiểu, ông Hưng nhận thấy công tác xử lý hành vi giết mổ lậu và kinh doanh thịt không rõ nguồn gốc còn chưa mang lại hiệu quả cao, quy định xử lý hiện hành vẫn còn 1 số điểm, khoản chưa thực sự hợp lý:

Mức phạt chưa ảnh hưởng đến lợi nhuận. Nếu so số tiền bị phạt với lợi nhuận thu được từ giết mổ lậu trong cùng một thời gian thì số tiền phạt sẽ là rất bé. Với mức phạt còn rất nhẹ so với lợi nhuận và điều kiện tái phạm sau khi xử phạt còn thuận tiện cho thấy biện pháp xử phạt hiện hành đối với hành vi giết mổ lậu là chưa đủ sức răn đe. Việc các lò mổ không sợ xử phạt mà vẫn tái phạm sẽ là điều tất yếu.

Đối với công tác xử phạt các điểm kinh doanh thịt không rõ nguồn gốc, biện pháp xử phạt không làm ảnh hưởng đến các tiểu thương.

Biện pháp khắc phục hậu quả khó thực hiện: Theo quy định tại Điểm a Khoản 13 Điều 20 Nghị định số 90/2017NĐ-CP (biện pháp khắc phục hậu quả) thì số thịt này bị buộc phải kiểm tra vệ sinh thú y và nếu điều kiện vệ sinh thú y không đạt yêu cầu mới được tiêu hủy.

Để làm được việc này thì mỗi địa phương phải trang bị tủ bảo quản để bảo quản lô thịt trong suốt thời gian chờ kết quả xét nghiệm, vì nếu kết quả xét nghiệm cho thấy lô thịt đảm bảo vệ sinh thì phải trả lại cho chủ sở hữu lô thịt đó, và lô thịt đó phải đảm bảo có chất lượng như kết quả xét nghiệm.

Tuy nhiên để công tác bảo quản được đảm bảo chất lượng thì ngoài việc trang bị tủ bảo quản thì các địa phương phải trang bị thêm máy phát điện và phải bố trí người quản lý tủ.

Do việc trang bị tủ bảo quản và vận hành bảo quản là rất phức tạp nên các địa phương rất khó trang bị. Vì vậy việc xử lý lô thịt bị bắt theo quy định là rất khó thực hiện.

Quy định xử phạt hiện hành không cho tịch thu tang vật đã tạo điều kiện cho người vi phạm thực hiện hành vi tái phạm.

Vì vậy, muốn cho công tác xử lý hành vi giết mổ lậu và kinh doanh thịt không rõ nguồn gốc đạt hiệu quả cao thì cần đưa ra biện pháp căn cơ hơn, đủ sức răn đe vi phạm.

Đối với hành vi giết mổ lậu, cần tăng mức phạt tiền tại Khoản 4 Điều 20 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP lên cao hơn 1,5 – 2 lần; bổ sung biện pháp tịch thu phương tiện vi phạm vào Điểm a Khoản 12 (hình thức phạt bổ sung của Nghị định số 90/2017/NĐ-CP). Việc cho phép tịch thu các phương tiện vi phạm như: Chuồng nuôi nhốt, bếp, chảo nấu nước sôi, dao, thớt sẽ làm khó cho các lò giết mổ trong việc thực hiện hành vi tái phạm.

Đối với hành vi kinh doanh thịt không rõ nguồn gốc, cần điều chỉnh luật sao cho biện pháp xử phạt phải trực tiếp làm ảnh hưởng đến kinh tế của người vi phạm,  quy định buộc tiêu hủy sản phẩm động vật đối với hành vi kinh doanh thịt gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y, bao bì đánh dấu đã qua kiểm tra vệ sinh thú y.

Việc cho tiêu hủy lô thịt là tang vật vi phạm thay vì phải thực hiện kiểm tra vệ sinh thú y sẽ làm cho công tác xử lý hành vi kinh doanh thịt không rõ nguồn gốc dễ dàng hơn.

Đồng thời, bổ sung biện pháp tịch thu phương tiện vi phạm đối với hành vi kinh doanh thịt gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y, bao bì đánh dấu đã qua kiểm tra vệ sinh thú y.

Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến về vấn đề này như sau:

Cục Thú y đánh giá cao và ghi nhận ý kiến đóng góp/kiến nghị của ông Hoàng Khánh Hưng về việc bổ sung một số biện pháp cần thiết vào Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y để có thể xử lý dứt điểm nạn giết mổ lậu và kinh doanh thịt không rõ nguồn gốc.

Liên quan đến hành vi giết mổ không phép, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm không được cơ quan thú y kiểm soát giết mổ, Nghị định số 90/2017/NĐ-CP quy định tại Điều 20 như sau:

Khoản 2: “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi giết mổ động vật trên cạn trong Danh mục động vật thuộc diện phải kiểm soát giết mổ nhưng không được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thực hiện kiểm soát giết mổ…”;

Khoản 4: “Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi giết mổ động vật tại địa điểm không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép”;

Khoản 6: “Phạt tiền từ 60% đến 70% giá trị sản phẩm động vật nhưng không vượt quá 50.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y, bao bì đánh dấu đã qua kiểm tra vệ sinh thú y”;

Khoản 13 biện pháp khắc phục hậu quả:

“a) Buộc phải kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 6 Điều này. Trong trường hợp kiểm tra vệ sinh thú y không đạt yêu cầu buộc phải tiêu hủy hoặc xử lý nhiệt chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm động vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều này;

b) Buộc xử lý nhiệt chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm động vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2, Khoản 4, Khoản 7 và khoản 8 Điều này;”.

Như vậy, đối với tổ chức hoặc cá nhân có hành vi vi phạm nêu trên, cơ quan chức năng khi xử lý vi phạm ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính theo mức tiền quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP, còn phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Theo đó, tất cả sản phẩm thịt từ các cơ sở giết mổ lậu này và thịt không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y hoặc bao bì đánh dấu đã qua kiểm tra vệ sinh thú y khi không đạt yêu cầu vệ sinh thú y đều bị buộc xử lý nhiệt chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tiêu hủy. Nếu áp dụng đồng bộ các hình thức xử lý vừa nêu thì mới bảo đảm sức răn đe.

Thực tế công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm tại nhiều địa phương còn nhiều tồn tại, bất cập, đặc biệt là việc xử lý chưa triệt để đối với các cơ sở giết mổ lậu, dẫn đến tình trạng như ông Hưng đã nêu. Để khắc phục tình trạng này, UBND các cấp cần quan tâm, phối hợp chặt chẽ và chỉ đạo lực lượng công an, quản lý thị trường, thú y… xử lý dứt điểm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành.

Chinhphu.vn