![]() |
Ảnh minh họa |
Dự thảo Thông tư đề xuất quy định về điều kiện để cơ sở đào tạo, nghiên cứu được tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng viên chức ngành Giao thông vận tải, bao gồm: các điều kiện về chương trình, tài liệu bồi dưỡng; giảng viên; cơ sở vật chất, cơ sở thực hành; kinh nghiệm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu.
Quy định này dự kiến áp dụng đối với học viện, viện nghiên cứu, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp có đào tạo ngành giao thông vận tải (cơ sở đào tạo, nghiên cứu) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo đó, cơ sở đào tạo, nghiên cứu được tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng viên chức ngành Giao thông vận tải khi đáp ứng những điều kiện sau đây:
Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành Giao thông vận tải, gồm các chuyên ngành: quản lý dự án viên; kỹ thuật viên đường bộ, kỹ thuật viên bến phà; cảng vụ hàng hải, cảng vụ đường thủy nội địa, cảng vụ hàng không; tìm kiếm cứu nạn hàng hải, thông tin an ninh hàng hải; đăng kiểm và các chuyên ngành khác do Bộ Giao thông vận tải ban hành theo quy định của pháp luật. Chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng, chuyên ngành của viên chức ngành Giao thông vận tải do Bộ Giao thông vận tải hoặc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành.
Cơ sở đào tạo, nghiên cứu sử dụng một trong các tài liệu bồi dưỡng sau: Tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành Giao thông vận tải đã được ban hành theo các chương trình bồi dưỡng quy định nêu trên. Tài liệu bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành của viên chức ngành Giao thông vận tải đã được ban hành theo quy định của pháp luật.
Tài liệu bồi dưỡng phải được xây dựng trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành, được cập nhật thường xuyên, phù hợp với chương trình bồi dưỡng viên chức tương ứng; đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động nghề nghiệp của viên chức ngành Giao thông vận tải.
Giảng viên của cơ sở đào tạo, nghiên cứu; giảng viên kiêm nhiệm và người được mời thỉnh giảng đảm bảo tiêu chuẩn về giảng viên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định tại Điều 34 và Điều 35 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Giảng viên của cơ sở đào tạo, nghiên cứu phải đủ để tham gia giảng dạy ít nhất 50% khối lượng chương trình bồi dưỡng được giao tổ chức thực hiện. Người được mời thỉnh giảng phải có trình độ chuyên môn, quản lý, kinh nghiệm phù hợp với chương trình bồi dưỡng.
Về cơ sở vật chất, cơ sở thực hành, cơ sở đào tạo, nghiên cứu phải có đủ phòng học, các phòng chức năng và các trang thiết bị cần thiết đáp ứng yêu cầu giảng dạy lý thuyết và thực hành các kỹ năng nghề nghiệp ngành giao thông vận tải. Có đủ nguồn thông tin tư liệu, gồm: sách, giáo trình, bài giảng, các tài liệu có liên quan phục vụ công tác bồi dưỡng viên chức ngành Giao thông vận tải.
Cơ sở đào tạo, nghiên cứu phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trong tổ chức bồi dưỡng viên chức hoặc được tổ chức đào tạo trình độ trung cấp trở lên về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải có liên quan đến các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành Giao thông vận tải.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn