In bài viết

Đề xuất điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên

(Chinhphu.vn) – Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa.

25/03/2016 16:54

Ảnh minh họa

4 loại cơ sở đào tạo

Theo dự thảo, cơ sở đào tạo đáp ứng quy định về điều kiện kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn đến hạng nào thì được phép đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa đến hạng đó.

Cơ sở đào tạo được chia thành 4 loại:

Cơ sở đào tạo loại 1: Được phép đào tạo, bổ túc thuyền trưởng, máy trưởng đến hạng nhất và đào tạo, bồi dưỡng chứng chỉ chuyên môn.

Cơ sở đào tạo loại 2: Được phép đào tạo, bổ túc thuyền trưởng, máy trưởng đến hạng nhì và đào tạo, bồi dưỡng chứng chỉ chuyên môn.

Cơ sở đào tạo loại 3: Được phép đào tạo, bổ túc thuyền trưởng, máy trưởng đến hạng ba và đào tạo, bồi dưỡng chứng chỉ chuyên môn.

Cơ sở đào tạo loại 4: Được phép đào tạo, bổ túc thuyền trưởng, máy trưởng đến hạng tư và đào tạo, bồi dưỡng chứng chỉ chuyên môn.

Giấy chứng nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ đào tạo có thời hạn 5 năm

Theo dự thảo, cơ sở đào tạo đáp ứng quy định về điều kiện kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa (Giấy chứng nhận). Giấy chứng nhận có thời hạn 5 năm.

Trình tự cấp mới Giấy chứng nhận được dự thảo nêu rõ như sau:

Đối với Giấy chứng nhận cơ sở đào tạo loại 3 trở lên, cơ sở đào tạo có nhu cầu đề nghị cấp Giấy chứng nhận nộp 1 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác đến Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.

Trường hợp hồ sơ chưa đủ theo quy định, trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phải hướng dẫn trực tiếp hoặc bằng văn bản cho cơ sở đào tạo. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ theo quy định, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức kiểm tra thực tế cơ sở đào tạo, lập biên bản theo mẫu quy định. Thời gian kiểm tra thực tế không quá 1 ngày. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kiểm tra, nếu đủ điều kiện, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cấp Giấy chứng nhận cho cơ sở đào tạo theo mẫu quy định. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

Theo dự thảo, để được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đào tạo loại 4, cơ sở đào tạo có nhu cầu đề nghị cấp Giấy chứng nhận nộp 1 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác đến Sở Giao thông vận tải.

Dự thảo nêu rõ, cơ sở đào tạo sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận không thời hạn khi vi phạm một trong các trường hợp sau đây: 1- Có hành vi gian lận để được Giấy chứng nhận; 2- Không hoạt động đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa trong thời gian 18 tháng liên tục; 3- Hết thời hạn bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận mà không khắc phục được các vi phạm là nguyên nhân dẫn đến việc bị tước quyền; 4- Phá sản, giải thể. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận thì có quyền thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp cho cơ sở đào tạo, đồng thời thông báo các cơ quan liên quan để phối hợp thực hiện. Cơ sở đào tạo phải nộp lại Giấy chứng nhận cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận, đồng thời dừng toàn bộ các hoạt động đào tạo theo nội dung Giấy chứng nhận đã bị thu hồi.

Theo lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, tính đến hết ngày 20/3/2016, cả nước xảy ra 25 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy nội địa, làm chết 10 người, bị thương 1 người và chìm đắm 25 phương tiện. Con số này so với cùng kỳ năm 2015 đã giảm 7 vụ TNGT (-21,87%), giảm 6 người chết (-37,5%) và giảm 1 người bị thương. Tuy nhiên, thời gian qua lại xảy ra nhiều vụ gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng nghiêm trọng không những tới giao thông đường thủy mà cả đường bộ và đường sắt ở một số địa bàn có mức độ giao thông cao.

Nguyên nhân do phương tiện thủy nội địa không thực hiện các quy định về thời hạn đăng kiểm định kỳ (quá hạn đăng kiểm), không tuân thủ các quy định khi đi ra, vào cảng bến thủy nội địa. Một nguyên nhân nữa phải kể đến là do công tác đào tạo thuyền viên, đăng kiểm, đăng ký phương tiện đối với phương tiện có trọng tải và công suất máy nhỏ gặp nhiều khó khăn do đặc thù người dân hoạt động trên các tuyến đường thủy nội địa theo truyền thống “cha truyền con nối”.

Công tác đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn đường thủy nội địa hiện đã thực hiện xã hội hóa trên toàn quốc với 38 cơ sở đào tạo. Thời gian qua, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống đào tạo cho các cơ sở về ngân hàng câu hỏi, đề thi, đáp án… thống nhất tại tất cả các cơ sở. Hiện, các cơ sở đào tạo trên toàn quốc đã cấp trên 200.000 bằng, chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện.

Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Tuệ Văn