In bài viết

Đề xuất điều kiện kinh doanh giám định cổ vật

(Chinhphu.vn) – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề lập quy hoạch, dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế, thi công, giám sát thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Trong đó, Bộ đề xuất rõ quy định về điều kiện kinh doanh giám định cổ vật.

30/06/2016 10:47

Ảnh minh họa

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, cổ vật không chỉ có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ mà còn có giá trị kinh tế cao. Trong bối cảnh kinh tế, xã hội của đất nước có sự phát triển ngày một cao đã tạo điều kiện cho người dân có khả năng mua bán cổ vật phục vụ nhu cầu văn hóa, nhu cầu gìn giữ di sản của cha ông. Nhưng cổ vật cũng dễ bị làm giả, người mua rất dễ bị lừa. Do đó, kinh doanh giám định cổ vật phải cần được quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật, giám định cổ vật chính là giúp hạn chế những hành vi lừa đảo có thể xảy ra khi mua bán cổ vật. Cơ sở giám định cổ vật muốn hoạt động cần phải bảo đảm các yêu cầu nhất định.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, thị trường cổ vật (người buôn bán hay gọi là đồ cổ) sẽ có sự phát triển tương ứng. Cổ vật là hàng hóa nhưng là “hàng hóa đặc biệt”, giá trị kinh tế lớn nên cần được giám định chính xác về nguồn gốc, niên đại để người mua/người bán không bị nhầm, bị lừa. Vì vậy, quy định về điều kiện kinh doanh giám định cổ vật sẽ nâng cao chất lượng của việc giám định, đồng thời khuyến khích chủ sở hữu thực hiện đăng ký cổ vật.

Dự thảo nêu rõ, giám định cổ vật là việc sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để đánh giá, kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, niên đại, chất liệu của cổ vật. Giám định cổ vật để phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị cổ vật, đăng ký cổ vật hoặc các mục đích dân sự, thương mại khác.

Tổ chức hành nghề giám định cổ vật phải bảo đảm các điều kiện sau: Có kho lưu giữ, bảo quản hiện vật giám định; có trang thiết bị, phương tiện thực hiện giám định theo quy định; có nguồn tài liệu về cổ vật để tham khảo, phục vụ hoạt động giám định cổ vật; có chuyên gia giám định cổ vật phù hợp với loại cổ vật quy định tại Điều 3 Thông tư số 19/2012/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định loại di vật, cổ vật không được mang ra nước ngoài.

Trình tự cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động giám định cổ vật

Theo dự thảo, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động giám định cổ vật đối với các tổ chức giám định có trụ sở chính trên địa bàn; cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động giám định cổ vật có thẩm quyền cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động giám định cổ vật.

Tổ chức giám định cổ vật nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện 1 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động giám định cổ vật đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao căn cứ vào các điều kiện theo quy định xem xét, quyết định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động giám định cổ vật. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn