Ảnh minh họa |
Theo dự thảo, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí khám phát hiện bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Khoản 1, Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động khi có đủ các điều kiện sau: Người sử dụng lao động đang đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tính đến tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động; kết quả quan trắc môi trường lao động, có các yếu tố có hại, yếu tố gây bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Bên cạnh đó, người lao động được người sử dụng lao động đề nghị hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp phải đủ điều kiện sau: Đã được người sử dụng lao động đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ khi có hợp đồng lao động với người lao động; là người có thời gian làm nghề, công việc có nguy cơ phát sinh các bệnh nghề nghiệp thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm.
Mức hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp
Dự thảo nêu rõ, mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp được tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp thực tế của từng bệnh, bằng 50% kinh phí khám cho từng trường hợp sau khi đã trừ phần chi phí hỗ trợ của bảo hiểm y tế.
Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 2 lần và trong 1 năm chỉ được nhận hỗ trợ một lần.
Đối với kinh phí khám bệnh nghề nghiệp có mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ theo quy định trên thì phần vượt quá mức hỗ trợ do người sử dụng lao động chi trả.
Trình tự giải quyết hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp
Theo dự thảo, người sử dụng lao động có nhu cầu hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động nộp hồ sơ theo quy định cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của người sử dụng lao động theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp. Trường hợp không hỗ trợ thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người sử dụng lao động.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn