Hố khai quật tại cụm di chỉ Vườn Chuối. Nguồn: Hà Nội Mới |
Về di chỉ Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức), theo công bố của Viện Khảo cổ học, cụm di chỉ này đã được phát hiện và nghiên cứu từ năm 1969. Từ đó đến nay, nhiều đợt thăm dò, khai quật được tiến hành ở các địa điểm gò Vườn Chuối, gò Dền Rắn, gò Mỏ Phượng, gò Cây Muỗng, gò Chùa Gio và gò Chiền Vậy.
Vì sao phải bảo tồn Vườn Chuối?
Các nghiên cứu ở cụm di chỉ Vườn Chuối đã xác định đây là một phức hệ di tích phát triển liên tục qua các giai đoạn Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn; là một địa điểm chứa đựng nhiều giá trị nghiên cứu lịch sử, đặc biệt là khảo cổ học tiền - sơ sử khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng. Mỗi lần khai quật đều đem lại những kết quả và tư liệu mới cho công tác nghiên cứu khảo cổ học khu vực, góp phần làm sáng tỏ lịch sử Hà Nội thời tiền sơ- sử cách đây ít nhất từ 3.500-2.000 năm.
Kết quả khai quật tổng thể trong năm 2019 do Viện Khảo cổ học và Đại học KHXH&NV Hà Nội tiến hành xác định di chỉ Vườn Chuối là một làng cư trú kéo dài theo hướng bắc nam (210 m) và hẹp chiều đông tây (chỗ rộng nhất 75 m), trong đó các lớp văn hóa cổ nhất nằm ở đầu phía bắc và tiến dần về phía nam là các giai đoạn văn hóa muộn hơn.
Các nhà khảo cổ đã phát hiện 15 mộ táng đều là mộ giai đoạn văn hóa Đông Sơn (mộ huyệt đất và mộ quan tài gốm); thu được trên 1.000 hiện vật đồ đá (công cụ lao động, đồ trang sức); 40 hiện vật đồ đồng (rìu, dao, kim, lưỡi câu…), vũ khí (giáo, mũi tên), nhiều đồ tre, gỗ và trên 10.000 mảnh gốm cổ cùng nhiều phát hiện khác.
Theo Viện Khảo cổ học, với giá trị lịch sử, văn hóa to lớn đã được chứng thực qua nhiều lần khai quật, nghiên cứu từ trước đến nay, cụm di chỉ Vườn Chuối xứng đáng được đưa vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử văn hóa và xếp hạng là di tích khảo cổ học của Thành phố Hà Nội. Đặc biệt, dạng di chỉ tiền sơ sử phản ánh nhiều giai đoạn phát triển văn hóa liên tục từ tiền Đông Sơn đến Đông Sơn như vậy tại Hà Nội không nhiều vì hầu như đã bị xâm hại và xóa sổ hoàn toàn.
Cuối tháng 10/2019, nhóm các nhà nghiên cứu khảo cổ thuộc Viện Khảo cổ học và bộ môn Khảo cổ học (Đại học KHXH&NV Hà Nội) đã gửi đề xuất đề nghị UBND Thành phố Hà Nội xem xét phê duyệt phương án bảo tồn hợp lý, kết hợp hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị nguồn tài nguyên di sản văn hóa với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Các con đường nội bộ đang tàn phá di chỉ Mỏ Phượng và Dền Rắn. Ảnh: Viện Khảo cổ học |
Phương án bảo tồn đề xuất
Theo TTXVN, ngày 12/11, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có công văn gửi UBND TP. Hà Nội báo cáo kết quả sơ bộ thăm dò, khai quật di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức và đề xuất giải pháp bảo tồn khi di chỉ này đang bị xâm phạm nghiêm trọng.
Hiện nay, khu vực Vườn Chuối gồm 3 gò Vườn Chuối, Dền Rắn và Mỏ Phượng nằm trong phạm vi dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch của TP. Hà Nội do Tổng Công ty cổ phần Thương mại xây dựng Vietracimex là chủ đầu tư.
Phía tây gò Vườn Chuối nằm trong phạm vi mở đường quy hoạch vành đai 3,5 của Thành phố. Trong tháng 10/2019, Vietracimex tiến hành xây dựng đường nội bộ và san nền khu đô thị và đã xâm phạm vào khu vực di tích phân bố ở các gò Mỏ Phượng (san lấp toàn bộ di tích), Dền Rắn (diện tích san lấp vào phạm vi di tích khoảng 50%) và làm đường nội bộ vận chuyển vật liệu ở phía nam gò Vườn Chuối. Cùng với đó, hiện tượng đào trộm cổ vật xảy ra ở di chỉ Vườn Chuối diễn ra một cách công khai sau khi đoàn khai quật khảo cổ vừa dừng khai quật.
Viện Khảo cổ học đã đề nghị bảo tồn 6.000 m2 nửa phía đông di chỉ, khoanh vùng bảo vệ và xây dựng hồ sơ xếp hạng và bảo vệ di tích theo quy định pháp luật về di sản văn hóa. Một mặt, tiến hành khai quật nghiên cứu di dời 6.000 m2 nửa phía tây di chỉ Vườn Chuối.
Sau khi kết thúc nghiên cứu, giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng tuyến đường vành đai 3,5 của Thành phố Hà Nội, đối với các di chỉ Dền Rắn và Mỏ Phượng, Viện Khảo cổ học đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Vietracimex phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và các cơ quan chuyên môn tiến hành khai quật di dời khu vực phân bố di tích khảo cổ trước khi thực hiện xây dựng khu đô thị.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng thống nhất với đề nghị của Viện Khảo cổ học về việc nghiên cứu khảo cổ di chỉ Vườn Chuối. Sở sẽ phối hợp với Viện Khảo cổ học có văn bản gửi UBND huyện Hoài Đức có ý kiến về việc đưa nửa phía đông di chi (bảo tồn 6.000 m2) vào khu vực bảo vệ di chỉ khảo cổ, làm cơ sở triển khai các công việc tiếp theo của việc đưa di chỉ vào danh mục kiểm kê di tích của Thành phố...
Cũng theo TTXVN, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị UBND Thành phố có văn bản gửi Tổng Công ty cổ phần Thương mại xây dựng Vietracimex về việc bảo vệ di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối theo pháp luật về di sản văn hóa; đề nghị Thành phố chỉ đạo UBND huyện Hoài Đức có phương án phân công các đơn vị thường xuyên bảo vệ, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi đào trộm cổ vật tại khu vực di chỉ Vườn Chuối.
Trường hợp thấy có khả năng có di tích hoặc di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thì chủ dự án phải tạm ngừng thi công và thông báo kịp thời cho UBND huyện Hoài Đức, Ban Quản lý di tích danh thắng thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội để có biện pháp xử lý kịp thời.
Thanh Xuân