In bài viết

Đề xuất khung năng lực số áp dụng cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân

(Chinhphu.vn) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư Ban hành Khung năng lực số áp dụng cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân.

23/09/2024 14:07
Đề xuất khung năng lực số áp dụng cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân- Ảnh 1.

Theo dự thảo, việc ban hành Khung năng lực số áp dụng cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm mục đích làm căn cứ thống nhất về yêu cầu năng lực số của người học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Giúp người học phát triển các kỹ năng cần thiết để sử dụng công nghệ một cách hiệu quả, sẵn sàng đối mặt với những thách thức và cơ hội trong thế giới số hóa và là nền tảng cho việc học tập suốt đời.

Đồng thời bảo đảm tất cả người học đều có cơ hội tiếp cận và phát triển các năng lực số, góp phần giảm thiểu sự chênh lệch trong khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ. Bảo đảm hệ thống giáo dục đáp ứng được nhu cầu của thời đại số, đồng thời giúp người học phát triển toàn diện, bền vững.

Khung năng lực số

Cấu trúc khung năng lực số: Khung năng lực số bao gồm 6 miền năng lực với 24 năng lực thành phần, được chia thành 4 trình độ với 8 cấp độ từ cơ bản đến chuyên gia.

Cụ thể, dự thảo đề xuất 6 miền năng lực gồm:

1. Khai thác dữ liệu và thông tin: 

Nhận diện được nhu cầu thông tin của cá nhân. Triển khai các chiến lược tìm, định vị và truy cập được dữ liệu, thông tin và nội dung. Đánh giá các nguồn tin và nội dung của chúng. Lưu trữ, quản lý và tổ chức dữ liệu, thông tin và dữ liệu.

2. Giao tiếp và hợp tác trong môi trường số: 

Tương tác, giao tiếp và hợp tác thông qua công nghệ số đồng thời nhận thức rõ được sự đa dạng về văn hóa và thế hệ. Tham gia xã hội thông qua các dịch vụ công và tư và thực hiện quyền công dân. Quản lý sự hiện diện, danh tính và uy tín của mỗi cá nhân.

3. Sáng tạo nội dung số: 

Tạo lập và biên tập nội dung số. Cải tiến và kết hợp thông tin và nội dung vào vốn tri thức sẵn có trong khi đó hiểu được hệ thống giấy phép và bản quyền liên quan đến quá trình sáng tạo nội dung số. Biết cách đưa ra các hướng dẫn có thể hiểu được cho hệ thống máy tính.

4. An toàn: 

Bảo vệ các thiết bị, nội dung, dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trong môi trường số. Bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần đồng thời nhận thức về tác động của công nghệ số đối với hạnh phúc xã hội và hòa nhập xã hội. Nhận thức về tác động của công nghệ số và việc sử công nghệ số đối với môi trường.

5. Giải quyết vấn đề: 

Nhận diện được nhu cầu và các vấn đề cũng như giải quyết các vấn đề và tình huống trong môi trường số. Sử dụng các công cụ kỹ thuật số để đổi mới quy trình và sản phẩm. Cập nhật với sự tiến bộ của công nghệ số.

6. Sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh: 

Sử dụng trí tuệ nhân tạo trong học tập, làm việc và cuộc sống một cách có đạo đức và trách nhiệm.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, 03 miền năng lực đầu tiên của Khung năng lực số có thể xác định thông qua các hoạt động cụ thể và thông qua việc sử dụng công nghệ. Trong khi đó miền năng lực 4 và 5 (An toàn và Giải quyết vấn đề) có thể áp dụng vào tất cả các hoạt động được thực hiện thông qua các phương tiện kỹ thuật số. Miền năng lực thứ 6 tập trung về năng lực sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh có đạo đức và trách nhiệm. Các yếu tố của giải quyết vấn đề hiện diện ở tất cả các miền năng lực cụ thể và được xác định là thành tố quan trọng trong việc sử dụng công nghệ và thực hành kỹ thuật số.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Khánh Linh