Ảnh minh họa |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2020 có một số quy định mới và khác so với các nội dung được quy định tại Nghị định số 84/2015/NĐ-CP và Nghị định số 01/2020/NĐ-CP.
Cụ thể: Về cơ quan thực hiện và nội dung giám sát đầu tư: Mục 2 Chương VIII (từ Điều 86 đến Điều 88) Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư quy định về giám sát hoạt động đầu tư theo phương thức PPP có quy định nội dung khác so với quy định tại Nghị định số 84/2015/NĐ-CP và Nghị định số 01/2020/NĐ-CP. Do đó, cần sửa đổi các quy định liên quan đến công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư cho phù hợp.
Do vậy, việc xây dựng và ban hành Nghị định mới về giám sát và đánh giá đầu tư là hợp lý và cần thiết.
Các điểm mới của dự thảo Nghị định
Theo dự thảo, các nội dung về giám sát, đánh giá dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Chương III - từ Điều 26 đến Điều 32) được rà soát, sửa đổi phù hợp với quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Cụ thể như sau:
Trách nhiệm giám sát dự án: Cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư dự án tự tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra quá trình chuẩn bị đầu tư dự án.
Cơ quan ký kết hợp đồng dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và nhà đầu tư tự tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra quá trình đầu tư dự án theo nội dung được phê duyệt và hợp đồng dự án.
Nội dung giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư bao gồm: a) Theo dõi, kiểm tra việc công bố danh mục dự án; b) Tổng hợp tình hình thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán, ký kết hợp đồng dự án; c) Tổng hợp tình hình thực hiện Hợp đồng dự án; d) Kiểm tra việc chấp hành quy định về quản lý đầu tư của các bên ký kết Hợp đồng dự án trong việc thực hiện Hợp đồng dự án.
Đánh giá dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư: Việc đánh giá dự án được thực hiện như sau:
a) Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, phải thực hiện đánh giá ban đầu, đánh giá giữa kỳ, đánh giá kết thúc và đánh giá tác động;
b) Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác theo quy định của pháp luật về PPP phải thực hiện đánh giá kết thúc và đánh giá tác động;
c) Ngoài các quy định tại Điểm a và Điểm b nêu trên, người có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công quyết định thực hiện đánh giá khác quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định này khi cần thiết.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Khánh Linh