Bộ Tài chính cho biết đã nhận được công văn của Bộ Tư pháp đề nghị ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 202/2016/TT-BTC quy định phí trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm (GDBĐ).
Qua 06 năm thực hiện Thông tư số 202/2016/TT-BTC đã đạt được những kết quả nhất định như tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thu, chi, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký GDBĐ, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và tạo điều kiện cho đơn vị thực hiện nhiệm vụ thu phí chủ động hơn trong việc quản lý, sử dụng phí. Tuy nhiên, hiện hành, pháp luật đăng ký GDBĐ và pháp luật liên quan đã được sửa đổi. Vì vậy, Bộ Tư pháp đã đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất sửa đổi Thông tư số 202/2016/TT-BTC.
Bộ Tư pháp đề nghị: Bổ sung nội dung: "Cơ quan có thẩm quyền cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu để tra cứu thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu biển theo pháp luật về hàng hải thu phí cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về GDBĐ bằng tàu biển".
Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 50 Nghị định số 99/2022/NĐ-CP thì: Tổ chức, cá nhân tự tra cứu thông tin có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định này cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu. Theo quy định tại khoản 3 Điều 23 và Điều 41 Nghị định số 99/2022/NĐ-CP thì cơ quan có thẩm quyền cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm bằng tàu biển là Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam theo quy định của pháp luật về hàng hải.
Để phù hợp quy định nêu trên, Bộ Tài chính nhất trí với đề nghị của Bộ Tư pháp, dự thảo Thông tư bổ sung thêm quy định như sau: "Cơ quan có thẩm quyền cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu để tra cứu thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu biển theo pháp luật về hàng hải thu phí cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về GDBĐ bằng tàu biển".
Bộ Tài chính cho biết, quy định mức thu phí áp dụng chung tại Thông tư số 202/2016/TT-BTC là chưa phù hợp; chưa đảm bảo công bằng trong trường hợp chỉ tra cứu 01 lần cũng phải nộp phí mức 300.000 đồng/năm.
Để đảm bảo số tiền phí chi trả tương ứng với nội dung dữ liệu cung cấp, dự thảo Thông tư quy định như sau:
Số tt | Nội dung | Mức thu |
3 | Phí cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm |
|
|
|
|
|
|
|
a | Trường hợp cấp để tự tra cứu một lần theo tiêu chí cơ bản | 10.000 đồng/lần tra cứu |
b | Trường hợp cấp để tự tra cứu một lần theo tiêu chí cơ bản, tiêu chí nâng cao và được cơ quan đăng ký trích xuất dữ liệu | 2.000 đồng/giao dịch |
c | Trường hợp cấp để tự tra cứu thường xuyên theo tiêu chí cơ bản* | - Đối với yêu cầu cấp mã số trước ngày 01/7 hàng năm: 300.000 đồng/khách hàng/năm - Đối với yêu cầu cấp mã số sau ngày 01/7 hàng năm: 150.000 đồng/khách hàng/năm |
d | Trường hợp cấp để tự tra cứu thường xuyên theo tiêu chí cơ bản, tiêu chí nâng cao và được cơ quan đăng ký trích xuất dữ liệu | 2.000 đồng/giao dịch |
Về phí đăng ký GDBĐ bằng động sản (trừ tàu bay), tàu biển, Bộ Tư pháp đề nghị tăng "Phí đăng ký GDBĐ lần đầu bằng động sản (trừ tàu bay, chứng khoán đã đăng ký tập trung), tàu biển" từ 80.000 đồng/hồ sơ lên mức 100.000 đồng/hồ sơ.
Lý do đề nghị tăng mức phí từ 80.000 đồng/hồ sơ lên 100.000 đồng/hồ sơ (tăng 25%) là : Mức phí đăng ký GDBĐ kế thừa từ năm 2011. Từ đó đến nay, nhiều chi phí đã tăng cao, như: Chi phí văn phòng phẩm tăng từ 4-5 lần; chi phí điện, nước, nhân công, khấu hao tài sản tăng khoảng 4 lần; chỉ số giá tiêu dùng và lương cơ bản đã tăng khoảng từ 30% đến 50%,…
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, theo số liệu tại Đề án của Bộ Tư pháp thì: Số tiền phí để lại vẫn đảm bảo để bù đắp chi phí cung cấp dịch vụ. Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 còn nặng nề; cùng ảnh hưởng tiêu cực từ xung đột Ukraine đã làm cho người dân, doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn, vì vậy, dự thảo Thông tư không điều chỉnh tăng mức phí đăng ký GDBĐ như Bộ Tư pháp đề xuất.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Khánh Linh