Dự thảo nêu rõ nguyên tắc cơ bản thực hiện kiểm kê khí nhà kính và quy trình kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Theo đó, kiểm kê khí nhà kính và MRV cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Tính đầy đủ: Kiểm kê và MRV kết quả giảm phát thải khí nhà kính phải thực hiện đối với tất cả các nguồn phát thải, số liệu thu thập cần liên tục, không bị gián đoạn;
- Tính nhất quán: Kiểm kê phát thải khí nhà kính và MRV hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thực hiện liên tục theo thời gian và đảm bảo thống nhất về phương án giám sát, số liệu tính toán, phương pháp kiểm kê khí nhà kính;
- Tính minh bạch: Tài liệu, dữ liệu, giả định, số liệu hoạt động, hệ số áp dụng, phương pháp tính toán, kiểm kê khí nhà kính cần được lưu giữ để phục vụ quá trình thẩm định theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền và đơn vị thẩm định độc lập;
- Tính chính xác: Tính toán phát thải khí nhà kính cần đảm bảo độ chính xác cao nhất theo phương pháp đã được chọn, giảm tối đa các sai lệch;
- Tính cải tiến liên tục: Hệ thống báo cáo, tính toán phát thải khí nhà kính cần cải thiện liên tục theo các kiến nghị phù hợp của cơ quan thẩm định.
Theo dự thảo, kiểm kê khí nhà kính thực hiện đối với các hoạt động thuộc lĩnh vực năng lượng, quá trình công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, trong đó:
Kiểm kê khí nhà kính cho lĩnh vực năng lượng:
a) Phát thải khí nhà kính từ các hoạt động đốt nhiên liệu
b) Phát thải khí nhà kính từ các hoạt động phát tán từ nhiên liệu
Kiểm kê khí nhà kính cho lĩnh vực các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm (IPPU):
a) Phát thải khí nhà kính từ công nghiệp hóa chất
b) Phát thải khí nhà kính từ công nghiệp luyện kim
c) Phát thải khí nhà kính từ sử dụng các sản phẩm thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.
Hệ số phát thải áp dụng cho quá trình kiểm kê khí nhà kính lựa chọn theo Danh mục hệ số phát thải phục vụ kiểm kê khí nhà kính do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.
Các hệ số phát thải chưa được quy định thì áp dụng theo hướng dẫn của IPCC phiên bản mới nhất.
Khuyến khích áp dụng phương pháp tính toán, xác định và sử dụng hệ số phát thải phù hợp với thực tế của ngành sau khi được cơ quan có thẩm quyền công nhận.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Minh Đức