In bài viết

Đề xuất nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc Tòa án nhân dân huyện

(Chinhphu.vn) - Tòa án nhân dân tối cao đang dự thảo Thông tư quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng, các phòng thuộc Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt.

11/11/2024 19:08
Đề xuất nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc Tòa án nhân dân huyện- Ảnh 1.

Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy

Theo dự thảo, bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm:

a- Văn phòng;

b- Phòng Theo dõi thi hành án hình sự.

Phòng Theo dõi thi hành án hình sự được thành lập tại Tòa án nhân dân thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thành phố là thủ phủ của tỉnh, có số lượng biên chế từ 50 người trở lên.

Văn phòng Tòa án nhân dân huyện

Dự thảo nêu rõ, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương gồm Chánh Văn phòng, 01 Phó Chánh Văn phòng (đối với Văn phòng có từ 05 biên chế trở lên), công chức và người lao động.

Thẩm phán không được kiêm nhiệm làm Chánh Văn phòng.

Văn phòng Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố có nhiệm vụ, quyền hạn

a- Giúp Chánh án Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các công tác văn thư, lưu trữ, quản lý con dấu, công tác kế toán - quản trị, bảo vệ; đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương;

b- Thực hiện việc tiếp nhận, thụ lý các đơn khởi kiện, thụ lý hồ sơ vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương;

c- Giúp Chánh án Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương tổ chức công tác xét xử; tổ chức công tác tiếp công dân theo quy định của pháp luật;

d- Thực hiện công tác thống kê, tổng hợp tình hình hoạt động của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; giúp Chánh án Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương xây dựng các báo cáo công tác của Tòa án nhân dân cấp huyện để báo cáo Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan hữu quan khác;

đ- Thực hiện công tác theo dõi thi hành án theo quy định của pháp luật (đối với các đơn vị không đủ điều kiện thành lập Phòng Theo dõi thi hành án hình sự);

e- Giúp Chánh án Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương tổng kết thực tiễn xét xử, đề xuất án lệ;

g- Thực hiện các công việc khác theo sự phân công của Chánh án Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.

Phòng Theo dõi thi hành án hình sự Tòa án nhân dân huyện

Dự thảo nêu rõ: Cơ cấu tổ chức của Phòng Theo dõi thi hành án hình sự Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương gồm Trưởng phòng, 01 Phó Trưởng phòng (đối với phòng có từ 05 biên chế), Thư ký Tòa án.

Thẩm phán không được kiêm nhiệm làm Trưởng phòng.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Theo dõi thi hành án hình sự:

a) Giúp Chánh án Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương thực hiện công tác thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật.

b) Phối hợp với cơ quan thi hành án, Viện kiểm sát nhân dân và các cơ quan liên quan rà soát, đối chiếu, tổng hợp và đề xuất hướng giải quyết đối với các bản án, quyết định tuyên không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án.

c) Thực hiện các công việc khác theo sự phân công của Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện.

Tòa án nhân dân tối cao đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao.

Kim Huệ