Bộ Y tế đề xuất nhiều nội dung mới tại dự thảo Luật Phòng bệnh
Đối với nhóm những quy định chung, dự thảo Luật hoàn thiện các quy định liên quan đến giải thích từ ngữ, theo đó, bổ sung các cụm từ cần giải thích để tạo cách hiểu thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật, ví dụ: sinh phẩm phòng bệnh, sức khỏe tâm thần, rối loạn sức khỏe tâm thần,…
Dự thảo Luật đưa ra tổng thể các chính sách của Nhà nước về phòng bệnh và các nội dung về quản lý nhà nước về phòng bệnh, tập trung vào các chính sách của Nhà nước về thực hiện viêc phòng bệnh (bao gồm cả bệnh truyền nhiệm, bệnh không lây nhiễm…); ưu tiên trong hỗ trợ, khuyến khích các cá nhân, tổ chức tham gia phòng bệnh, các chính sách tạo nguồn lực để thực hiện công tác phòng bệnh…
Dự thảo Luật quy định các trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động phòng bệnh, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động phòng bệnh; đối tượng, nội dung, yêu cầu và hình thức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng bệnh; trách nhiệm thông tin truyền thông về phòng bệnh và hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.
Dự thảo Luật đề xuất bỏ quy định về danh mục cụ thể các bệnh truyền nhiễm mà chỉ quy định cách thức xác định nhóm bệnh truyền nhiễm và phân cấp cho Bộ trưởng Bộ Y tế quy định quy định tiêu chí xác định phân loại nhóm bệnh truyền nhiễm và phân loại dịch bệnh truyền nhiễm theo khả năng kiểm soát. Đồng thời bổ sung quy định phân loại và cấp độ dịch bệnh truyền nhiễm.
Bộ Y tế cho biết, kể từ khi Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ban hành và có hiệu lực đến thời điểm hiện nay đã xuất hiện thêm nhiều bệnh truyền nhiễm mới và để bảo đảm tương đồng với quy định về phân loại cấp độ phòng thủ dân sự của Luật phòng thủ dân sự, do vậy, dự thảo Luật sẽ bỏ quy định về danh mục cụ thể các bệnh truyền nhiễm mà chỉ quy định cách thức xác định nhóm bệnh truyền nhiễm và phân cấp cho Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về danh mục cụ thể các bệnh truyền nhiễm, đồng thời bổ sung quy định phân loại và cấp độ dịch bệnh truyền nhiễm để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Dự thảo Luật đề xuất quy định toàn diện các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm, từ giám sát, đánh giá nguy cơ, điều tra dịch, thông tin, cách ly, kiểm dịch, xét nghiệm, sử dụng vaccine, bảo đảm an toàn sinh học, vệ sinh khử khuẩn, đến thử nghiệm phương pháp mới và thông báo dịch; khi dịch vượt khả năng kiểm soát thì bổ sung các biện pháp theo luật tình trạng khẩn cấp và phòng thủ dân sự; Chính phủ chịu trách nhiệm quy định chi tiết cách ly y tế, đồng thời giao trách nhiệm cho Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật cho các nội dung điều tra, khai báo, xét nghiệm, cấp cứu, vệ sinh và thông báo dịch.
Trong khi đó, Điều 14 dự thảo Luật nêu rõ quyền được thông tin, tiếp cận dịch vụ y tế, bảo mật và tôn trọng nhân phẩm; quyền khiếu nại, tố cáo, đòi bồi thường nếu chịu thiệt hại; nghĩa vụ khai báo trung thực, tuân thủ hướng dẫn và tự phòng ngừa cho bản thân và cộng đồng. Điều này cũng phân định rõ quyền và nghĩa vụ tương ứng của cơ sở phòng bệnh (như cách ly, báo cáo, trang bị) và của các tổ chức, cá nhân tham gia phòng chống (như chấp hành chỉ đạo, bảo đảm an toàn, cung cấp thông tin, vận động cộng đồng.
Dự thảo Luật đề xuất quy định việc giám sát bệnh truyền nhiễm gồm: (1) Đối tượng giám sát bệnh truyền nhiễm, gồm: (i) Người mắc bệnh truyền nhiễm, người mang bệnh truyền nhiễm và người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm; (ii) tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; (iii) ổ chứa, trung gian truyền bệnh truyền nhiễm và các yêu tố nguy cơ; (2) Đối tượng giám sát bệnh không lây nhiễm; (3) Đối tượng giám sát trong dinh dưỡng; (4) Đối tượng giám sát trong phòng, chống thương tích; (5) Đối tượng giám sát trong quản lý các rối loạn sức khỏe tâm thần; (6) Giám sát trong phòng bệnh được thực hiện trên toàn bộ phạm vi địa bàn quản lý hành chính được phân công giám sát. Đồng thời, giao trách nhiệm cho Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết một số nội dung liên quan đến giám sát bệnh truyền nhiễm.
Bộ Y tế cho biết, theo quy định tại Điều 22 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm phải được thực hiện bằng văn bản, các hình thức khác chỉ áp dụng trong các tình huống khẩn cấp. Hiện nay với việc phát triển của công nghệ thông tin, việc thu thập báo cáo sẽ được thực hiện bằng phần mềm báo cáo trực tuyến và sẽ áp dụng báo cáo trực tuyến sẽ bảo đảm yêu cầu nhanh chóng của công tác phòng, chống dịch bệnh và để đề ra các biện pháp ứng phó phù hợp, kịp thời.
Dự thảo Luật đề xuất quy định người mắc, nghi mắc, mang mầm bệnh hoặc có tiếp xúc với tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhóm A và một số bệnh nhóm B bắt buộc phải cách ly y tế tại nhà, cơ sở y tế hoặc địa điểm được chỉ định. Cơ sở khám chữa bệnh tại vùng có dịch chịu trách nhiệm tổ chức cách ly theo chỉ đạo của UBND. Trường hợp không chấp hành sẽ bị cưỡng chế cách ly theo quy định của Chính phủ.
Dự thảo Luật đề xuất quy định kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu đối với người, phương tiện, hàng hóa, thi thể, mẫu phẩm sinh học xuất – nhập – quá cảnh Việt Nam; bao gồm thu thập, xử lý thông tin, khai báo y tế, giám sát, kiểm tra, xử lý y tế và áp dụng biện pháp phòng dịch; người và chủ phương tiện phải khai báo, chấp hành cách ly và nộp phí; tổ chức kiểm dịch cấp giấy chứng nhận và phối hợp với hải quan, xuất nhập cảnh; chính quyền địa phương bảo đảm điều kiện, phối hợp với các cơ quan, tổ chức quốc tế; Chính phủ quy định chi tiết trình tự, biện pháp xử lý trường hợp chưa hoàn thành kiểm dịch và tổ chức thực hiện.
Dự thảo Luật đề xuất bổ sung thêm quy định về bảo đảm an toàn sinh học đối với xét nghiệm thực hiện ngoài phòng xét nghiệm.
Theo Bộ Y tế, mục 4 chương II Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm mới quy định về an toàn sinh học trong xét nghiệm tuy nhiên mới chỉ có đề cập đến an toàn sinh học trong phòng xét nghiệm mà chưa đề cập đến an toàn sinh học đối với xét nghiệm thực hiện ngoài phòng xét nghiệm trong khi hiện nay việc xét nghiệm còn được tiến hành lưu động do đó cần có các quy định để điều chỉnh đối với hoạt động này nhằm bảo đảm tính toàn diện của luật.
Dự thảo Luật đề xuất quy định các nội dung cơ bản về vaccine và sinh phẩm phòng bệnh: mọi người có quyền công bằng, trọn đời tiếp cận và sử dụng vaccine, sinh phẩm phòng bệnh theo lứa tuổi và chương trình tiêm chủng; vaccine, sinh phẩm phòng bệnh phải đáp ứng tiêu chuẩn pháp luật, được dùng tự nguyện hoặc bắt buộc, đúng đối tượng, liều lượng và quy trình kỹ thuật do Bộ Y tế hướng dẫn. Tiêm chủng – kể cả mở rộng, chủ động chống dịch (miễn phí) và tự nguyện – được Nhà nước tổ chức hoặc cho phép cơ sở ngoài công lập tham gia khi đủ điều kiện; Danh mục bệnh truyền nhiễm và đối tượng tiêm do Bộ Y tế ban hành. Về tài chính và bồi thường, ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí tiêm bắt buộc miễn phí, người tiêm có quyền bồi thường nếu bị tai biến; Nhà nước và cơ sở ngoài công lập có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định chi tiết của Chính phủ và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, tại dự thảo, Bộ Y tế cũng đề xuất bổ sung một số nội dung: Về bảo đảm dinh dưỡng trong phòng bệnh, ban hành các quy định về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý theo từng lứa tuổi, từng đối tượng; ban hành các quy định về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý phòng chống các bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng.
Về phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần, quy định về kiểm soát yếu tố nguy cơ gây rối loạn tâm thần liên quan đến lối sống và cung cấp dịch vụ tư vấn, dự phòng và hỗ trợ, chăm sóc tại cộng đồng.
Về phòng, chống bệnh không lây nhiễm, quy định nội dung hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm liên quan đến việc phòng, chống các yếu tố nguy cơ; phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm; dự phòng cho người nguy cơ cao; chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng cho người mắc bệnh và quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất các quy định về Quỹ Phòng bệnh.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.