Ảnh minh họa |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Pháp lệnh Thú y được Ủy ban thường vụ Quốc hội Khóa XI thông qua ngày 29/4/2004. Sau 10 năm thi hành, Pháp lệnh đã thực sự góp phần quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc phòng, chống, khống chế dịch bệnh động vật; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường hiệu lực nhà nước về công tác quản lý thuốc thú y, hành nghề thú y; góp phần ổn định phát triển chăn nuôi an toàn, cung cấp sản phẩm động vật bảo đảm an toàn thực phẩm và nâng cao đời sống của nhân dân, thúc đẩy xuất khẩu động vật, sản phẩm của nước ta.
Tuy nhiên, sau 10 năm thực thi, Pháp lệnh năm 2004 đã bộc lộ một số hạn chế là chưa đáp ứng được những đòi hỏi của hoạt động quản lý nhà nước về thú y trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Dự thảo Luật Thú y gồm 7 Chương, 124 Điều đã có nhiều điểm mới so với Pháp lệnh Thú y hiện hành.
Những điểm mới này được thể hiện trong những quy định chung; quy định về phòng bệnh cho động vật; chống dịch bệnh cho động vật trên cạn; về phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản; về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật trên cạn, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật; quản lý thuốc thú y; hành nghề thú y và quy định về cải cách hành chính.
Quy định mới về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, trong dự thảo đã tách riêng làm hai mục kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn và động vật, sản phẩm động vật thủy sản. Trong đó điểm mới của dự thảo là sửa đổi quy định về nguyên tắc kiểm dịch động vật, không còn dựa trên “số lượng lớn, khối lượng lớn” như Pháp lệnh năm 2004 đã quy định, dự thảo Luật đã có các quy định theo hướng mở như sau:
Động vật, sản phẩm động vật xuất phát từ cơ sở đã được công nhận an toàn dịch bệnh hoặc từ cơ sở đã được phòng bệnh bằng vắc xin và cơ sở chăn nuôi tham gia chương trình giám sát dịch bệnh của cơ quan chuyên ngành thú y khi vận chuyển ra khỏi tỉnh, dự thảo Luật trao cho chủ cơ sở được tự cấp giấy chứng nhận vận chuyển và chịu trách nhiệm về sức khỏe động vật và sản phẩm động vật, đối với cơ sở có cán bộ chuyên môn phù hợp với chuyên ngành đào tạo như bác sỹ thú y, kỹ sư chăn nuôi thú y; còn cơ sở chăn nuôi không tự cấp giấy thì trước khi vận chuyển động vật, sản phẩm động vật chỉ đăng ký với cơ quan thú y địa phương trong thời hạn 1 ngày làm việc để được cấp giấy chứng nhận vận chuyển, không phải làm thủ tục kiểm dịch.
Đây là một điểm mới đột phá của Luật Thú y nhằm tạo điều kiện thông thoáng trong việc lưu thông động vật, sản phẩm động vật trong nước, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động thú y, tránh gây phiền hà sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Bên cạnh đó, ngành thú y sẽ quản lý được dịch bệnh tốt hơn trên cơ sở việc chủ động giám sát phát hiện, dự báo, cảnh báo và áp dụng các biện pháp ngăn chặn mầm bệnh phát tán, lây lan có hiệu quả nhất
Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thực hiện kiểm dịch đối với động vật, sản phẩm động vật có nguồn gốc từ cơ sở thu gom, chăn nuôi nhỏ lẻ và chưa được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh hoặc không tham gia chương trình giám sát khi vận chuyển ra khỏi tỉnh tiêu thụ chỉ chiếm phần nhỏ so với động vật, sản phẩm động vật từ những cơ sở chăn nuôi an toàn. Vì đây là đối tượng có nguy cơ dễ mang mầm bệnh, lây lan dịch bệnh cao, do động vật chưa được tiêm phòng hoặc vệ sinh phòng bệnh kém, nên cơ quan thú y phải quản lý chặt chẽ thông qua việc kiểm dịch nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh cho các vùng, cơ sở đã được an toàn và vệ sinh an toàn đối với người sử dụng sản phẩm động vật. Các nội dung này cũng được quy định tương tự như kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản ra khỏi tỉnh để làm giống và xuất phát từ cơ sở an toàn dịch bệnh.
Thêm vào đó, tại Điều 53 và Điều 57 dự thảo đã quy định việc nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật vào Việt Nam, trước khi nhập khẩu phải được cơ quan thú y đánh giá tình hình dịch bệnh động vật, giám sát vệ sinh thú y tại nước xuất khẩu, trường hợp cần thiết phải đánh giá rủi ro trước khi nhập hàng, bên cạnh đó việc nhập khẩu còn phải bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế như (động vật khỏe mạnh, xuất phát từ vùng, cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh, được cách ly kiểm dịch, có giấy chứng nhận kiểm dịch…) nhằm bảo vệ đàn vật nuôi trong nước cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm cho cộng đồng.
Tại Điều 70 và Điều 71 đã quy định trách nhiệm và quyền hạn của Việt Nam trong xuất khẩu, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật, nhằm phù hợp với quy định của Tổ chức thú y thế giới (OIE), Hiệp định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), cũng như thông lệ quốc tế, các hiệp định về vệ sinh thú y mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.
Trong dự thảo Luật (Điều 65) đã quy định trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định tạm dừng hoặc cấm xuất khẩu, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật mang mầm bệnh nguy hiểm, có nguy cơ đe dọa làm lây lan dịch bệnh hoặc không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y đã bị cảnh báo. Các biện pháp này phù hợp với quy định của quốc tế và đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình thực tế hiện nay.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn