Bộ Công Thương cho biết, căn cứ Luật Quản Lý ngoại thương (2017), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về một số biện pháp phát triển ngoại thương. Theo đó, Bộ Công Thương đã thực hiện quản lý nhà nước đối với văn phòng của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam và tiếp nhận, giải quyết 05 thủ tục hành chính (TTHC) liên quan gồm: cấp, sửa đổi bổ sung, gia hạn, cấp lại, chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam.
Bên cạnh những đóng góp tích cực mang lại hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại nói chung, thực tiễn thời gian gần đây cũng đã phát sinh một số hạn chế trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động văn phòng đại diện của các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài. Cụ thể như sau:
Việc tổ chức thực hiện cả 05 TTHC về văn phòng đại diện - khâu tiền kiểm đều đang thuộc thẩm quyền của cơ quan cấp Trung ương (Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương) trong khi các nội dung/đối tượng của khâu hậu kiểm lại đều trực tiếp gắn liền với các địa bàn/địa phương cụ thể nên đều thuộc phạm vi quản lý thực tế của các cơ quan chức năng tại địa bàn/địa phương. Vì vậy, việc phối hợp giữa các cơ quan/khâu tiền kiểm và hậu kiểm trong quản lý sẽ gặp phải những hạn chế, khó khăn nhất định.
Công tác quản lý nhà nước nói chung và hậu kiểm nói riêng mặc dù trên nguyên tắc phối hợp giữa trung ương và địa phương nhưng do sự hạn chế về nguồn lực của cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương nên thực tế sẽ chủ yếu phụ thuộc vào nguồn lực, sự sát sao, tính chủ động và phối hợp thực tế của các cơ quan chức năng tại địa bàn/địa phương (đầu mối là Sở Công Thương). Trong khi đó, các cơ quan chức năng tại địa bàn/địa phương mặc dù thực tế có vai trò chủ yếu trong hiệu quả hoạt động hậu kiểm nhưng về mặt pháp lý chỉ đóng vai trò phối hợp, hạn chế sự chủ động do không được trực tiếp tham gia, thực hiện hoạt động tiền kiểm.
Từ thực tiễn nêu trên, thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát, đề xuất phương án phân cấp 05 TTHC liên quan đến văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam.
Ngày 30/8/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1015/QĐ-TTg phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết TTHC thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, theo đó nhóm các thủ tục: Cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam; cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam; gia hạn Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam; sửa đổi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam; chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam được phân cấp thẩm quyền giải quyết TTHC từ Bộ Công Thương về Sở Công Thương.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về một số biện pháp phát triển ngoại thương về cơ quan thẩm quyền giải quyết TTHC cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, chấm dứt và thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam; về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động của Văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam.
Cụ thể, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số khoản Điều 26 Nghị định số 28/2018/NĐ-CP. Tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài thành lập văn phòng đại diện tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào thì gửi 01 hồ sơ đến Sở Công Thương tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở của Văn phòng đại diện để đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan cấp Giấy phép xem xét và cấp cho tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện. Trường hợp không cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, cơ quan cấp Giấy phép phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do. Trong trường hợp phải xin ý kiến Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thì thời hạn trả lời tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài là 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Sau khi cấp Giấy phép thành lập, cơ quan cấp Giấy phép gửi bản sao Giấy phép tới Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên toàn quốc và các cơ quan nơi Văn phòng đại diện đặt trụ sở, bao gồm: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (UBND cấp tỉnh), cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan công an.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan có liên quan, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Chương trình cấp quốc gia về thương hiệu và quản lý nhà nước đối với tổ chức xúc tiến thương mại của Việt Nam tại nước ngoài. Thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của Văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Minh Hiển