In bài viết

Đề xuất Quy chế thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc

(Chinhphu.vn) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư ban hành Quy chế về tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

03/12/2024 15:34
Đề xuất Quy chế thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc- Ảnh 1.

Thời hạn hiệu lực của chứng chỉ ngoại ngữ do cơ quan, đơn vị sử dụng chứng chỉ quyết định tùy theo mục đích, yêu cầu của từng công việc cụ thể.

Theo dự thảo, việc tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ phải đảm bảo an ninh, an toàn, khách quan, công bằng, nghiêm túc, đúng quy định, phản ánh đúng năng lực ngoại ngữ của người học về 4 kỹ năng sử dụng ngôn ngữ: nghe, nói, đọc, viết.

Chứng chỉ ngoại ngữ do các đơn vị tổ chức thi cấp cho người dự thi đạt yêu cầu tương ứng với Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam từ bậc 1 đến bậc 6. Thời hạn hiệu lực của chứng chỉ ngoại ngữ do cơ quan, đơn vị sử dụng chứng chỉ quyết định tùy theo mục đích, yêu cầu của từng công việc cụ thể.

Đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn

Các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ các đơn vị phải có đủ 5 tiêu chuẩn với 18 tiêu chí. Các tiêu chuẩn và tiêu chí được chốt tại thời điểm ngày 31 tháng 12 của năm báo cáo và hoàn thiện chậm nhất vào ngày 31 tháng 01 của năm sau liền kề năm báo cáo như sau:

Tiêu chuẩn 1: Tổ chức và quản trị: Có bộ phận chuyên trách để thực hiện tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ, lãnh đạo bộ phận chuyên trách phải có năng lực quản lý, có trách nhiệm, trung thực, khách quan.

Tiêu chuẩn 2: Cơ sở vật chất: Có đủ phòng thi để tổ chức thi trên máy tính đồng thời cho tối thiểu 100 thí sinh. Phòng thi phải bảo đảm: có đủ ánh sáng, bàn ghế, bảng hoặc màn chiếu; có đồng hồ dùng chung cho tất cả thí sinh theo dõi được thời gian làm bài…

Tiêu chuẩn 3: Phần mềm tổ chức thi: Có giao diện thân thiện, dễ cài đặt, sử dụng; có khả năng ngắt kết nối với các ứng dụng và thiết bị bên ngoài không liên quan đến nội dung thi; Cho phép thí sinh tự đăng nhập vào phần mềm để làm bài thi bằng tài khoản thi cá nhân;

Tiêu chuẩn 4: Trang thông tin điện tử phục vụ công tác tổ chức thi: Cung cấp thông tin về định dạng đề thi, đề minh hoạ, thông báo lịch thi, công bố danh sách thí sinh vi phạm quy chế thi và bị cấm thi; công bố quy định, quy trình tổ chức thi; Có chức năng để thí sinh đăng ký dự thi, tra cứu kết quả thi;

Tiêu chuẩn 5: Đề thi, ngân hàng câu hỏi thi: Đề thi phải bảo đảm chính xác, khoa học, chặt chẽ, rõ ràng; theo đúng cấu trúc định dạng đề thi đánh giá năng lực ngoại ngữ được Bộ GDĐT ban hành và được xây dựng dựa trên trích xuất ngẫu nhiên từ ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa; trong cùng một đợt thi, mỗi thí sinh một mã đề.

Quy định và quy trình tổ chức thi

Đơn vị tổ chức thi phải xây dựng quy định và quy trình tổ chức thi, công bố trên trang thông tin điện tử của đơn vị 30 ngày trước khi áp dụng.

Quy định và quy trình tổ chức thi của các đơn vị phải bảo đảm an ninh, an toàn, khách quan, công bằng và nghiêm túc; phân công rõ trách nhiệm các bộ phận tham gia tổ chức thi; có biện pháp hiệu quả chống gian lận.

Các mốc thời gian trong công tác tổ chức thi như sau: Công bố danh sách thí sinh dự thi, danh sách thí sinh không đủ điều kiện dự thi chậm nhất 07 ngày trước ngày tổ chức thi; Công bố kết quả thi chậm nhất 15 ngày sau khi kết thúc buổi thi cuối cùng; Công bố kết quả phúc khảo (nếu có) chậm nhất 10 ngày sau khi hết hạn đăng ký phúc khảo. 

Đơn vị tổ chức thi lưu trữ vĩnh viễn danh sách thí sinh dự thi, bảng điểm chi tiết, danh sách thí sinh được cấp chứng chỉ. Đơn vị tổ chức thi lưu trữ ít nhất 02 năm đối với bài thi, dữ liệu từ các camera giám sát phòng thi, các biên bản xử lý trong khi thi.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Lan Phương