Ảnh minh họa |
Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005 quy định về hoạt động hàng hải, trong đó có công trình cảng biển và luồng hàng hải. Tuy nhiên, Bộ luật Hàng hải Việt Nam chưa quy định cụ thể việc bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải.
Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21/3/2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải đã có 5 Điều tại Mục 5 Chương II quy định về bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải. Tuy nhiên, các quy định này cũng chỉ điều chỉnh nguyên tắc bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải, trách nhiệm bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải, các hành vi bị cấm trong bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải và xử lý vi phạm trong bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải.
Theo Bộ Giao thông vận tải, trong thực tế quản lý, các công trình cảng biển và luồng hàng hải thường xuyên bị xâm phạm như xây dựng công trình lân cận, liền kề ảnh hưởng đến chất lượng công trình hiện hữu, hành vi phá hoại phao tiêu, báo hiệu hàng hải trên luồng hàng hải, hành vi cắm đăng đáy ảnh hưởng đến luồng hàng hải, hành vi khai thác cát trái phép trong vùng nước cảng biển và luồng hàng hải… Quá trình xử lý gặp rất nhiều khó khăn do thiếu quy định cụ thể cũng như trách nhiệm của từng cơ quan.
Như vậy, việc xây dựng Nghị định của Chính phủ ban hành Quy chế bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải là rất cần thiết nhằm phân định rõ phạm vi, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nâng cao nhận thức của người dân trong hoạt động bảo vệ các công trình hàng hải; góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng cảng biển; ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm công trình gây nguy hiểm đến an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường, xâm phạm đến tính mạng nhân dân, gây thiệt hại tài sản của nhà nước và của nhân dân.
Phân cấp kỹ thuật công trình thành 5 cấp
Bộ Giao thông vận tải đã dự thảo Nghị định gồm 3 điều ban hành kèm theo Quy chế bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải.
Dự thảo Quy chế bảo về công trình cảng biển và luồng hàng hải gồm 5 chương, 18 điều được xây dựng theo hướng quy định những nội dung chưa được điều chỉnh, những quy định chưa rõ ràng và để phân định rõ phạm vi, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nâng cao nhận thức của người dân trong hoạt động bảo vệ các công trình hàng hải.
Cụ thể, dự thảo Quy chế quy định rõ việc phân cấp kỹ thuật các công trình cảng biển và luồng hàng hải trên cơ sở quy mô, công suất và tầm quan trọng của công trình.
Theo đó, công trình cảng biển được phân cấp kỹ thuật thành 5 cấp (cấp đặc biệt, cấp I, cấp II, cấp III và cấp IV) trên cơ sở khả năng tiếp nhận tàu biển vào cảng. Luồng hàng hải 1 chiều được phân cấp kỹ thuật thành 5 cấp (cấp đặc biệt, cấp I, cấp II, cấp III và cấp IV) trên cơ sở thiết kế kỹ thuật và vị trí đia lý của tuyến luồng (bề rộng, độ sâu, ở cửa biển, trên biển, cửa vịnh hở hoặc luồng trong sông, trong vịnh kín hoặc kênh đào). Công trình chỉnh trị (như đê chắn sóng, đê chắn cát, kè hướng dòng, kè bảo vệ bờ,…) được phân cấp kỹ thuật thành 5 cấp (cấp đặc biệt, cấp I, cấp II, cấp III và cấp IV) trên cơ sở chiều cao lớn nhất của công trình và vị trí của công trình (ở cửa biển, ven biển hoặc ở trong sông. Công trình báo hiệu hàng hải được phân cấp kỹ thuật thành 5 cấp (cấp đặc biệt, cấp I, cấp II, cấp III và cấp IV) trên cơ sở tầm hiệu lực hiệu dụng của đèn biển, đăng tiêu hoặc đường kính, chiều dài dây xích của phao báo hiệu hàng hải.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ phạm vi bảo vệ và hàng lang bao vệ của công trình bến cảng biển, luồng hàng hải, công trình chỉnh trị và công trình báo hiệu hàng hải theo cấp kỹ thuật của công trình. Trong phạm vi bảo vệ và hành lang an toàn các công trình cảng biển và luồng hàng hải nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng công trình, khai thác đánh bắt thủy hải sản và các hoạt động khác làm ảnh hưởng đến an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và ô nhiễm môi trường của công trình cảng biển và luồng hàng hải.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn