Theo dự thảo, người hành nghề công tác xã hội phải tham gia đào tạo bình quân tối thiểu 24 tiết học/năm hoặc tương đương tối thiểu 120 tiết học/05 năm để được cập nhật kiến thức công tác xã hội trong quá trình hành nghề công tác xã hội. Cơ quan, đơn vị có sử dụng người hành nghề công tác xã hội có trách nhiệm tạo điều kiện để người hành nghề công tác xã hội được cập nhật kiến thức.
Người hành nghề công tác xã hội tham gia một trong các hình thức cập nhật kiến thức công tác xã hội (tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm về công tác xã hội; tham gia biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, tài liệu chuyên môn về công tác xã hội; thực hiện các nghiên cứu khoa học, giảng dạy về công tác xã hội; tự cập nhật kiến thức công tác xã hội và các hình thức khác) sẽ được cộng các hình thức để tính tổng thời gian cập nhật kiến thức công tác xã hội.
Theo dự thảo, cơ sở cập nhật kiến thức công tác xã hội tạo điều kiện để người hành nghề được cập nhật kiến thức công tác xã hội; theo dõi, quản lý; xác nhận và tính tiết học chỉ cho người hành nghề tham gia cập nhật kiến thức công tác xã hội do cơ sở tổ chức.
Theo Nghị định 110/2024/NĐ-CP, hành nghề công tác xã hội là những hoạt động nghề nghiệp chuyên nghiệp, trực tiếp thực hiện chuyên môn sâu (hoạt động phòng ngừa, can thiệp, trị liệu, chăm sóc, phục hồi hỗ trợ phát triển, tư vấn, tham vấn, hỗ trợ tâm lý cho đối tượng công tác xã hội) của người làm công tác xã hội được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội.
Cơ sở cập nhật kiến thức công tác xã hội phân công cán bộ phụ trách, quản lý hoạt động cập nhật kiến thức công tác xã hội của cơ sở; tổ chức hoạt động cập nhật kiến thức công tác xã hội theo quy định và chịu trách nhiệm về chất lượng cập nhật kiến thức công tác xã hội do cơ sở thực hiện.
Cơ sở cập nhật kiến thức công tác xã hội quản lý và lưu trữ hồ sơ, chương trình và tài liệu các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, hồ sơ hội nghị, hội thảo cập nhật kiến thức công tác xã hội của cơ sở; quản lý việc xác nhận cho người hành nghề đã hoàn thành cập nhật kiến thức công tác xã hội theo đúng quy định.
Đối với cơ sở cập nhật kiến thức công tác xã hội bằng hình thức tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn: Trước khi tổ chức đào tạo, bồi dưỡng có trách nhiệm gửi thông báo về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Cục Bảo trợ xã hội) và Bộ, Sở, ngành liên quan thuộc thẩm quyền quản lý.
Theo dự thảo, kinh phí cho cập nhật kiến thức công tác xã hội được lấy từ các nguồn sau đây: Đóng góp của người học; ngân sách Nhà nước; nguồn thu hợp pháp khác.
Kinh phí đào tạo được tính toán dựa trên các chi phí thực tế của khóa học theo nguyên tắc thu đủ chi, không vì lợi nhuận và theo các quy định của pháp luật.
Dự thảo nêu rõ, cơ sở đào tạo phải công khai kinh phí của khóa học trước khi triển khai để người học lựa chọn.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn