In bài viết

Đề xuất quy định chứng nhận hợp quy sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ TT&TT

(Chinhphu.vn) - Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) đang dự thảo Thông tư quy định về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông.

03/01/2025 16:18
Đề xuất quy định chứng nhận hợp quy sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ TT&TT- Ảnh 1.

Sản phẩm, hàng hóa thuộc "Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ TT&TT bắt buộc phải công bố hợp quy" phải được công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy

Theo dự thảo, Cục Viễn thông chịu trách nhiệm thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về chứng nhận và công bố hợp quy đối với các sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông trên phạm vi cả nước.

Các Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Sở TT&TT) phối hợp với Cục Viễn thông thực thi nhiệm vụ quản lý về chứng nhận và công bố hợp quy trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý.

Chứng nhận hợp quy là việc xác nhận sản phẩm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật do Bộ TT&TT ban hành và/hoặc tiêu chuẩn do Bộ TT&TT quy định bắt buộc áp dụng (quy chuẩn kỹ thuật) nhằm bảo đảm tính tương thích của sản phẩm trong kết nối, an toàn mạng viễn thông quốc gia, an ninh thông tin, bảo đảm các yêu cầu về tương thích điện từ trường, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên phổ tần số vô tuyến điện, an toàn cho con người và môi trường, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng.

Dự thảo Thông tư nêu rõ, danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ TT&TT, bao gồm:

a- Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ TT&TT bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy.

b- Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ TT&TT thông bắt buộc phải công bố hợp quy.

Sản phẩm, hàng hóa thuộc "Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ TT&TT bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy" phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy.

Sản phẩm, hàng hóa thuộc "Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ TT&TT bắt buộc phải công bố hợp quy" phải được công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy.

Tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ trả chi phí chứng nhận hợp quy, lệ phí tiếp nhận công bố hợp quy theo quy định của pháp luật hiện hành.

Phương thức đánh giá chứng nhận hợp quy

Dự thảo Thông tư đề xuất phương thức đánh giá chứng nhận hợp quy như sau: Các sản phẩm, hàng hóa thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ TT&TT bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy phải được đánh giá, chứng nhận hợp quy theo phương thức đánh giá sự phù hợp quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do Bộ TT&TT ban hành. Trường hợp quy chuẩn kỹ thuật đã ban hành nhưng chưa có quy định về phương thức đánh giá sự phù hợp thì áp dụng theo phương thức nêu tại Phụ lục I của Thông tư này. 

Trong quá trình đánh giá chứng nhận hợp quy, trường hợp cần phải thực hiện việc đánh giá cơ sở sản xuất và lấy mẫu hoặc giám sát tổ chức thử nghiệm tại trong nước hoặc nước ngoài thì Tổ chức chứng nhận có thể thực hiện trực tiếp hoặc thực hiện thông qua nhà thầu phụ.

Phương thức đánh giá sự phù hợp phải được ghi cụ thể trên Giấy chứng nhận hợp quy.

Giấy chứng nhận hợp quy

Dự thảo nêu rõ, hiệu lực của Giấy chứng nhận hợp quy phù hợp với mỗi phương thức đánh giá sự phù hợp nhưng kéo dài tối đa không quá 03 năm hoặc chỉ có giá trị đối với từng lô sản phẩm.

Tổ chức chứng nhận hợp quy phải công bố công khai mẫu Giấy chứng nhận hợp quy trên website.

Giấy chứng nhận hợp quy phải được thể hiện bằng song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh) và bao gồm các thông tin cơ bản sau đây: Tên, địa chỉ của Tổ chức chứng nhận hợp quy; tên tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận hợp quy; thông tin của sản phẩm được chứng nhận hợp quy (Tên; ký hiệu; hãng sản xuất; nơi sản xuất; …); số hiệu quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; căn cứ cấp Giấy chứng nhận hợp quy (Kết quả thử nghiệm; …); phương thức đánh giá sự phù hợp; hiệu lực của Giấy chứng nhận hợp quy; địa chỉ website nơi công bố thông tin của Giấy chứng nhận hợp quy; nơi cấp, ngày cấp Giấy chứng nhận hợp quy.

Công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân công bố với cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng về sự phù hợp của sản phẩm với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng sau khi thực hiện quá trình đánh giá sự phù hợp.

Biện pháp công bố hợp quy

Dự thảo nêu rõ, đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải công bố hợp quy: 

Tổ chức, cá nhân thực hiện công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân hoặc kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận hợp quy hoặc tổ chức chứng nhận được thừa nhận theo quy định của pháp luật. Việc công bố hợp quy phải thực hiện theo phương thức đánh giá sự phù hợp quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do Bộ TT&TT ban hành. Trường hợp quy chuẩn kỹ thuật chưa có quy định về phương thức đánh giá sự phù hợp thì áp dụng theo phương thức nêu tại Phụ lục I của Thông tư này.

Sản phẩm sản xuất trong nước thực hiện theo điểm a hoặc điểm b khoản 2 Điều 4 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 được sửa đổi tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018. Hàng hóa nhập khẩu thực hiện theo điểm a hoặc điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/ 2008 được sửa đổi tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018.

Đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy, tổ chức, cá nhân thực hiện công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận hợp quy hoặc tổ chức chứng nhận được thừa nhận theo quy định của pháp luật. Sản phẩm sản xuất trong nước thực hiện theo điểm b khoản 2 Điều 4 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 được sửa đổi tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018. Hàng hóa nhập khẩu thực hiện theo điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 được sửa đổi tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Minh Hiển