Ảnh minh họa |
Bộ Tài chính cho biết, Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, Nghị định số 189/2013/NĐ-CP và Nghị định số 116/2015/NĐ-CP về cổ phần hóa được ban hành trong thời gian qua về cơ bản đã tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn khi cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thúc đẩy quá trình tái cơ cấu DNNN trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Với hệ thống chính sách được ban hành nêu trên, công tác cổ phần hoá đã đạt được kết quả quan trọng. Trong giai đoạn 2011-2015, cả nước đã có 478 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa góp phần không nhỏ trong hoàn thành các mục tiêu của quá trình tái cơ cấu DNNN. Số lượng các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước có quy mô vốn lớn được cổ phần hoá đã nhiều hơn, trong đó có cả những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hàng không, dệt may, ngân hàng. Việc tổ chức đấu giá công khai cổ phần lần đầu đối với doanh nghiệp cổ phần hoá đã tiếp tục tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư tham gia, thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển. Với cơ chế đấu giá cạnh tranh, giá trị doanh nghiệp đã được đánh giá một cách đầy đủ, sát với thị trường hơn…
Tuy nhiên, quá trình cổ phần hoá DNNN theo các quy định nêu trên trong thời gian qua cho thấy việc đổi mới phương thức quản lý còn chưa rõ ràng (tỷ lệ cổ phần Nhà nước còn nắm giữ lớn ở nhiều doanh nghiệp); một số doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hoá có quy mô vừa và lớn, tình hình tài chính phức tạp, hoạt động trong những lĩnh vực đặc thù nên thời gian tiến hành cổ phần hoá kéo dài; một số doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép áp dụng cơ chế đặc thù khi cổ phần hóa nhưng chưa được quy định cụ thể (như việc sử dụng kết quả xác định lại giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm cơ sở xây dựng giá khởi điểm mà không điều chỉnh lại sổ sách kế toán tại Tổng công ty Hàng không, Tập đoàn Cao su, Công ty Cao su Tân Biên…); cơ chế bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược còn bất cập do nhà đầu tư chiến lược có nghĩa vụ phải cung cấp nhiều nguồn lực theo cam kết nhưng lại hạn chế không được bán cổ phiếu trong vòng 5 năm, chưa có quy định các chế tài xử lý các Nhà đầu tư chiến lược không thực hiện đúng cam kết...
Trong giai đoạn 2016-2020, quá trình tái cơ cấu DNNN trọng tâm là cổ phần hóa tiếp tục được Đảng, Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt, đối tượng cổ phần hóa tiếp tục được mở rộng tới các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước lớn đòi hỏi phải có các cơ chế liên quan hướng dẫn phải được hoàn chỉnh cho phù hợp nhằm xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp, tổ chức định giá sát với giá thị trường, tiếp tục bán cổ phần công khai, minh bạch, gắn quá trình cổ phần hóa với quá trình phát triển của thị trường chứng khoán và thu hút được các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần góp phần đổi mới quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
Bên cạnh đó, một số nội dung quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP cần được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với một số văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và có hiệu lực thi hành như: Luật doanh nghiệp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp….
Xuất phát từ tình hình thực tiễn nêu trên, theo Bộ Tài chính, cần thiết phải ban hành Nghị định mới quy định việc chuyển doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP.
Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị định về chuyển doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần gồm 7 chương, 51 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã nêu rõ quy định về xử lý tài chính khi cổ phần hóa; xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa; bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa; chính sách đối với doanh nghiệp và người lao động khi cổ phần hóa…
Điều kiện cổ phần hóa
Về điều kiện cồ phần hóa, theo dự thảo, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện cổ phần hóa khi đảm bảo đủ 2 điều kiện sau: 1- Không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ. Danh mục doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ.
2- Còn vốn nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và đánh giá lại giá trị doanh nghiệp.
Trường hợp sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị doanh nghiệp theo quy định mà giá trị thực tế doanh nghiệp thấp hơn các khoản phải trả thì cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo doanh nghiệp phối hợp với Công ty Mua bán nợ Việt Nam và các chủ nợ của doanh nghiệp xây dựng phương án tái cơ cấu doanh nghiệp; trường hợp phương án tái cơ cấu doanh nghiệp không khả thi và hiệu quả thì chuyển sang thực hiện các hình thức chuyển đổi khác theo quy định của pháp luật.
Dự thảo nêu rõ, Nhà nước không cấp thêm vốn để cổ phần hoá, kể cả các doanh nghiệp theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục, phân loại doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa thuộc diện Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Tuệ Văn