In bài viết

Đề xuất quy định cơ cấu, nhiệm vụ cơ quan thuộc Chính phủ

(Chinhphu.vn) – Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định quy định cơ quan thuộc Chính phủ trong đó quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan thuộc Chính phủ; chế độ làm việc và trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan này.

17/11/2015 15:30

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Ảnh minh họa

Theo Bộ Nội vụ, hiện nay có 8 cơ quan thuộc Chính phủ đều là tổ chức sự nghiệp công lập (Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) có chức năng phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước của Chính phủ hoặc thực hiện một số dịch vụ công.

Theo dự thảo, cơ quan thuộc Chính phủ do Chính phủ thành lập, có chức năng phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước của Chính phủ hoặc thực hiện một số dịch vụ công có đặc điểm, tính chất quan trọng mà Chính phủ phải trực tiếp chỉ đạo hoặc thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.

Dự thảo đề xuất những nhiệm vụ, quyền hạn chung của cơ quan thuộc Chính phủ như: Tham gia thẩm định các đề án, dự án quan trọng thuộc chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; quyết định các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật; ban hành, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm chuyên môn, nghiệp vụ và định mức kinh tế - kỹ thuật được áp dụng trong các tổ chức, đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực; quyết định và chỉ đạo việc thực hiện chương trình cải cách hành chính theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dịch vụ công theo quy định của pháp luật…

Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất một số nhiệm vụ, quyền hạn riêng của một số cơ quan thuộc Chính phủ như: Tham gia soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thực hiện việc cấp văn bằng, chứng chỉ và một số nghiệp vụ khác theo quy định của pháp luật; thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực theo quy định của luật chuyên ngành. Bên cạnh đó, kiểm tra, thanh tra theo ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách đối với tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật; kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý theo thẩm quyền đối với những quy định do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành trái với các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác về ngành, lĩnh vực do cơ quan phụ trách.

Cơ cấu tổ chức

Theo dự thảo, cơ cấu tổ chức của cơ quan thuộc Chính phủ gồm: 1- Ban hoặc Vụ (không có phòng trực thuộc, không có con dấu riêng); 2- Văn phòng (có con dấu riêng, có thể có phòng); 3- Các tổ chức sự nghiệp.

Dự thảo nêu rõ, cơ quan thuộc Chính phủ làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, trước Chính phủ về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan mình. Phó Thủ trưởng là người giúp Thủ trưởng cơ quan chỉ đạo một số mặt công tác và chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng về nhiệm vụ được phân công; khi Thủ trưởng vắng mặt, một Phó Thủ trưởng được Thủ trưởng ủy nhiệm lãnh đạo hoạt động của cơ quan. Số lượng Phó Thủ trưởng ở mỗi cơ quan thuộc Chính phủ không quá 4 người; trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Tuệ Văn