In bài viết

Đề xuất quy định đối với lao động phi chính thức

(Chinhphu.vn) - Theo ý kiến của cử tri TP. Đà Nẵng, lĩnh vực lao động phi chính thức của cả nước chiếm đến 70%, tuy nhiên chưa có văn bản luật nào trực tiếp điều chỉnh nhóm đối tượng này. Hiện mới chỉ có Nghị định 27/2014/NĐ-CP quy định về lao động là người giúp việc gia đình.

15/03/2018 09:02

Gửi ý kiến đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, cử tri kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành luật về quản lý lao động trên các lĩnh vực phi chính thức.

Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời cử tri như sau:

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề xuất nội dung này vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội vào năm 2019.

Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động được đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm mở rộng diện bao phủ của Bộ luật về tiền lương, thời giờ làm việc, kỷ luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động... đến lực lượng lao động trong khu vực phi chính thức, lao động tự tạo việc làm, lao động làm việc theo các hình thức liên kết kinh doanh với các doanh nghiệp công nghệ số (ví dụ người lao động làm việc cho các công ty công nghệ như: Uber, Grab...), lao động làm việc cho các doanh nghiệp và hộ gia đình sử dụng dưới 10 lao động...

Chinhphu.vn