Ảnh mang tính chất minh họa |
Theo Bộ Quốc phòng, trong những năm qua, các trường hợp quân nhân có hành vi vi phạm pháp luật không phải đang thực hiện nhiệm vụ, công vụ, hoặc vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống đều được các cơ quan, đơn vị trong Quân đội thụ lý, giải quyết, dẫn đến việc xử lý giải quyết tố cáo bị chồng chéo hoặc không triệt để, dẫn đến hiệu quả công tác giải quyết tố cáo không cao.
Quy định về việc chỉ giải quyết tố cáo đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng có hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ bị tố cáo thể hiện sự bình đẳng của quân nhân với cán bộ, công chức, viên chức trước pháp luật. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong việc vận dụng văn bản quy phạm pháp luật và tạo sự thống nhất trong Quân đội.
Thẩm quyền giải quyết tố cáo
Theo Bộ Quốc phòng, Điều 7 là nội dung chính, cơ bản nhất của dự thảo nhằm quy định người có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong Quân đội, do tính chất nhiệm vụ trong Quân đội có hệ thống tổ chức theo cơ quan quản lý Nhà nước như Tổng cục, Cục, Phòng, Ban, Đội, hoặc theo đơn vị chiến đấu có Quân đoàn, Binh đoàn, dưới các đơn vị này là Sư đoàn, Trung đoàn, Tiểu đoàn, Đại đội, Trung đội, Tiểu đội hoặc dưới quân khu là Bộ Tư lệnh thành phố, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Ban chỉ huy quân sự huyện, hoặc dưới Quân chủng là Tư lệnh vùng, Hải đoàn, Hải đội.
Theo dự thảo thì từ cấp Trung đoàn, Lữ đoàn, Ban chỉ huy quân sự huyện, Đồn Biên phòng trở lên là cấp có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo trong Quân đội được chỉ dẫn thực hiện theo Luật Tố cáo.
Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo
Theo Dự thảo, trình tự, thủ tục xác minh, kết luận về nội dung, quyết định xử lý tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng thực hiện theo quy định tại các điều 18, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30 của Luật Tố cáo.
Cũng theo Dự thảo, khi tiếp nhận, xử lý đơn tố cáo, nếu có nội dung khiếu nại, người tố cáo sẽ được hướng dẫn viết lại đơn, tách nội dung khiếu nại, gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Dự thảo cũng nêu rõ, trường hợp người bị tố cáo đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu, tình huống khẩn cấp thì thời hạn thụ lý tố cáo được tính từ thời điểm ngay sau ngày người bị tố cáo thực hiện xong nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc tình huống khẩn cấp. Việc xác định thời hạn thụ lý trong trường hợp này phải thông báo bằng văn bản cho người tố cáo biết.
Trong quá trình xác minh tố cáo, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo được yêu cầu (bằng văn bản) cơ quan, đơn vị, tổ chức trong và ngoài Quân đội phối hợp xác minh nội dung tố cáo.
Mời bạn đọc xem toàn văn và góp ý dự thảo tại đây.
Thanh Hoài