Dự thảo Thông tư này quy định về đối tượng, nội dung, thời gian, hình thức huấn luyện; tiêu chuẩn cán bộ huấn luyện; kế hoạch, chương trình, tài liệu, giáo án huấn luyện; kiểm tra đánh giá kết quả huấn luyện; điều kiện bảo đảm phục vụ công tác huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân.
Dự thảo đề xuất cụ thể nội dung huấn luyện gồm có huấn luyện lý thuyết và huấn luyện thực hành.
Trong đó, huấn luyện lý thuyết gồm: a- Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; b- Chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Huấn luyện thực hành gồm: a- Huấn luyện thể lực; b- Huấn luyện kỹ thuật cá nhân chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; c- Huấn luyện thao tác, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; d- Huấn luyện đội hình chữa cháy, đội hình cứu nạn, cứu hộ; đ- Huấn luyện chiến thuật xử lý tình huống cháy đối với một số loại hình cơ sở, công trình, phương tiện giao thông; e- Huấn luyện chiến thuật xử lý tình huống đối với một số loại hình sự cố, tai nạn; g- Huấn luyện thực tập phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ đối với một số tình huống cụ thể.
Có 2 hình thức huấn luyện là huấn luyện nâng cao và huấn luyện thường xuyên.
Huấn luyện nâng cao được thực hiện tại trung tâm huấn luyện của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an, trung tâm huấn luyện thuộc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc tại đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có đủ điều kiện về cơ sở, vật chất phục vụ huấn luyện theo quy định.
Huấn luyện thường xuyên được thực hiện tại đơn vị chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an các địa phương.
Dự thảo quy định cụ thể thời gian và nội dung huấn luyện cho từng đối tượng.
Đối tượng 1: Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Thời gian huấn luyện là 80 giờ.
Đối tượng 2: Trưởng Công an, Phó Trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương phụ trách công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nơi có Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trực thuộc đã được trang bị xe chữa cháy. Thời gian huấn luyện là 40 giờ.
Đối tượng 3: Đội trưởng, Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Đội trưởng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an cấp huyện đã được trang bị xe chữa cháy. Thời gian huấn luyện là 300 giờ.
Đối tượng 4: Cán bộ, chiến sĩ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Thời gian huấn luyện là 400 giờ.
Đối tượng 5: Lái xe, tàu, xuồng, ca nô chữa cháy; lái xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy. Thời gian huấn luyện là 80 giờ.
Thời gian huấn luyện nâng cao bảo đảm ít nhất bằng 1/3 thời gian huấn luyện cả năm.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuyết Hoa