Ảnh minh họa |
Bộ Tài chính cho biết, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 14/6/2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2006. Qua quá trình thực hiện, Luật thuế này đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế -xã hội của đất nước và đạt được các mục tiêu đề ra khi ban hành Luật.
Tuy nhiên, trước đòi hỏi của sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước hiện nay và trong thời gian tới cũng như các yêu cầu đặt ra trong việc tăng cường và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện hành cũng đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc cần phải được sửa đổi, bổ sung.
Bộ Tài chính đã dự thảo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các biện pháp phòng vệ về thuế gồm 5 chương, 25 điều nhằm góp phần khuyến khích phát triển và bảo hộ hợp lý sản xuất kinh doanh trong nước phù hợp định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước và các cam kết quốc tế đã ký kết.
Bổ sung nhiều quy định
Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về thuế phòng vệ để xây dựng môi trường kinh tế lành mạnh; bổ sung những quy định để góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; bảo vệ, khuyến khích phát triển sản xuất trong nước, khuyến khích phát triển các dự án đầu tư có tính sâu rộng và tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu khuyến khích sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hạn chế xuất khẩu khoáng sản tài nguyên chưa qua chế biến, giảm hàng hóa gia công giá trị gia tăng thấp; đồng thời, bảo hộ hợp lý, có thời hạn, phù hợp với thông lệ quốc tế đối với một số hàng hóa sản xuất trong nước; thu gọn số lượng mức thuế suất, từng bước đơn giản biểu thuế, mã số hàng hóa; sửa đổi quy định về phương pháp tính thuế (bao gồm cả phương pháp tính thuế hỗn hợp, kết hợp thuế suất theo tỷ lệ phần trăm và thuế tuyệt đối); thực hiện lộ trình điều chỉnh các mức thuế xuất khẩu, nhập khẩu theo cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng nhằm mục tiêu góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất với văn bản pháp luật liên quan trong đó có Hiến pháp năm 2013, Luật Đầu tư, Luật Quản lý thuế, Luật Tài nguyên môi trường, Luật Hải quan…; đồng thời khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu.
Bộ Tài chính cho biết, Bộ đề xuất dự thảo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các biện pháp phòng vệ về thuế nhằm phù hợp các cam kết quốc tế và điều ước quốc tế về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Tạo nền tảng pháp luật thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội và Chiến lược cải cách hệ thống thuế, hiện đại hóa quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; sửa đổi bổ sung góp phần phục vụ chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên và chuẩn bị cơ sở pháp luật để phục vụ hội nhập sâu, rộng hơn trong giai đoạn tới.
Dự thảo cũng được xây dựng theo hướng đơn giản, thuận lợi cho người nộp thuế; góp phần thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đổi mới các nội dung và điều luật theo hướng gia tăng các quy định nhằm cải cách thủ tục hành chính thuế đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, ổn định, đơn giản, rõ ràng, công khai, thuận tiện, thống nhất đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế xã hội; góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý thu, nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn