Ảnh minh họa |
Theo dự thảo, doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí theo quy định được thành lập quỹ hưu trí.
Quy trình, thủ tục thành lập quỹ hưu trí được đề xuất như sau: Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí xây dựng và ban hành điều lệ quỹ hưu trí đối với mỗi quỹ được thành lập. Điều lệ quỹ hưu trí do doanh nghiệp tự quyết định nhưng phải đảm bảo các nội dung cơ bản theo quy định. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí ký hợp đồng ủy thác với tổ chức lưu ký, ngân hàng giám sát theo quy định.
Thành lập tối thiểu 3 quỹ hưu trí
Căn cứ vào nhu cầu quản lý của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí và yêu cầu của khách hàng, doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí tự quyết định về số lượng quỹ hưu trí, nhưng phải đảm bảo thành lập tối thiểu 3 quỹ hưu trí với mục tiêu lợi nhuận và mức độ rủi ro tăng dần để đáp ứng nhu cầu đầu tư của các thành viên tham gia quỹ bao gồm: 1- Quỹ hưu trí có mục tiêu đầu tư bảo toàn vốn; 2- Quỹ hưu trí có mục tiêu đầu tư cân bằng; 3- Quỹ hưu trí có mục tiêu đầu tư tăng trưởng.
Theo dự thảo, quỹ hưu trí chỉ được đầu tư vào các loại tài sản sau: Trái phiếu Chính phủ; chứng chỉ quỹ mở trái phiếu; tiền gửi tại các tổ chức tín dụng; các chứng chỉ quỹ mở khác đáp ứng điều kiện do Bộ Tài chính quy định.
Tỷ trọng giá trị đầu tư vào trái phiếu Chính phủ (bao gồm cả khoản đầu tư trái phiếu Chính phủ thông qua chứng chỉ quỹ mở trái phiếu) trong tổng giá trị quỹ hưu trí tại mọi thời điểm tối thiểu bằng 50%, trong đó tỷ trọng tối thiểu đối với từng loại quỹ hưu trí cụ thể như sau: 50% đối với quỹ hưu trí có mục tiêu đầu tư tăng trưởng; 60% đối với quỹ hưu trí có mục tiêu đầu tư cân bằng; 70% đối với quỹ hưu trí có mục tiêu đầu tư bảo toàn vốn.
Phân bổ toàn bộ kết quả đầu tư đến tất cả tài khoản hưu trí cá nhân
Dự thảo nêu rõ, doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí phải phân bổ toàn bộ kết quả đầu tư của quỹ hưu trí đến tất cả các tài khoản hưu trí cá nhân đảm bảo nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch và theo đúng quy định tại điều lệ quỹ hưu trí.
Theo dự thảo, mỗi thành viên tham gia quỹ hưu trí có 1 tài khoản hưu trí cá nhân để tiếp nhận khoản đóng góp của thành viên đó và của doanh nghiệp sử dụng lao động (nếu có); tiếp nhận kết quả đầu tư sau khi trừ đi các chi phí liên quan đến việc vận hành quỹ hưu trí theo quy định tại điều lệ quỹ; thanh toán thuế và tiền phạt chi trả trước tuổi nghỉ hưu (nếu có); chi trả cho thành viên tham gia quỹ, người thừa kế và doanh nghiệp sử dụng lao động theo quy định.
Thành viên tham gia quỹ được sở hữu khoản đóng góp của chính mình và kết quả đầu tư sau khi trừ đi các chi phí liên quan đến việc vận hành quỹ hưu trí. Dự thảo nêu rõ, thành viên tham gia quỹ chỉ được sở hữu khoản đóng góp của doanh nghiệp sử dụng lao động cho thành viên tham gia quỹ và kết quả đầu tư sau khi trừ đi các chi phí liên quan nếu đáp ứng được các điều kiện tại văn bản thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp sử dụng lao động về việc tham gia quỹ hưu trí.
Theo dự thảo, tài khoản hưu trí cá nhân không được sử dụng để: Chuyển nhượng; cầm cố; giải quyết thủ tục phá sản của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí, ngân hàng giám sát, tổ chức lưu ký.
Bản chất hoạt động của quỹ hưu trí tự nguyện là người lao động và/hoặc doanh nghiệp sử dụng lao động đóng góp vào các tài khoản hưu trí cá nhân tại quỹ hưu trí để quỹ thực hiện đầu tư, trên cơ sở kết quả đầu tư quỹ hưu trí chi trả cho người lao động theo số tiền đóng góp và lợi nhuận do hoạt động đầu tư mang lại. |
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn