Ảnh minh họa |
Dự thảo nêu rõ: Người có thẻ BHYT mắc bệnh lao, bệnh lao kháng thuốc, nghi mắc bệnh lao, lao tiềm ẩn và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh lao được Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về BHYT và quy định tại Thông tư này.
Người tham gia BHYT nghi ngờ mắc lao, lao tiềm ẩn, lao kháng thuốc khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến chẩn đoán lao được Quỹ BHYT chi trả bao gồm chi phí khám bệnh, chữa bệnh, chụp X-quang, các xét nghiệm chẩn đoán bệnh lao, lao kháng thuốc, như soi trực tiếp tìm AFB, nuôi cấy, kháng sinh đồ, các kỹ thuật sinh học phân tử chẩn đoán nhanh lao kháng thuốc, đa kháng, tiền/siêu kháng (Xpert MTB/RIF; MTB đa kháng LPA, MTB siêu kháng LPA…); xét nghiệm TST, IGRA trong trường hợp nghi ngờ mắc lao tiềm ẩn và các xét nghiệm khác theo chỉ định lâm sàng của bác sĩ để chẩn đoán xác định, chẩn đoán phân biệt, chẩn đoán loại trừ bệnh lao theo các hướng dẫn chuyên môn chẩn đoán và điều trị lao hiện hành của Bộ Y tế.
Việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với người mắc bệnh lao, bệnh lao kháng thuốc, nghi mắc bệnh lao, lao tiềm ẩn thực hiện theo các quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
Trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không đủ điều kiện để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật phục vụ chẩn đoán, điều trị, quản lý người mắc bệnh lao, lao kháng thuốc mà phải chuyển mẫu bệnh phẩm hoặc người bệnh đến cơ sở y tế có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm cận lâm sàng theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 30/2020/TT-BYT ngày 31/12/2020, Quỹ BHYT chi trả chi phí thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm cận lâm sàng cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi chuyển mẫu bệnh phẩm hoặc chuyển người bệnh, theo mức giá của cơ quan có thẩm quyền. Cơ sở tiếp nhận thực hiện dịch vụ xét nghiệm cận lâm sàng chỉ thực hiện tiếp nhận khi có đầy đủ các điều kiện về nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, vật tư y tế để thực hiện được dịch vụ kỹ thuật đó.
Người mắc bệnh lao, bệnh lao kháng thuốc, nghi mắc bệnh lao, lao tiềm ẩn sau khi được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên chuyển về tuyến xã để tiếp tục theo dõi, điều trị duy trì thì trạm y tế xã có trách nhiệm lập hồ sơ theo dõi, quản lý, điều trị tương tự như đối với các trường hợp người bệnh không lây nhiễm.
Đối với tuyến xã thực hiện chỉ định y lệnh của tuyến trên để quản lý, theo dõi cấp phát thuốc, giám sát người mắc bệnh lao, bệnh lao kháng thuốc, nghi mắc bệnh lao, lao tiềm ẩn theo quy định thì được Quỹ BHYT chi trả tiền khám bệnh cho mỗi lần khám và cấp phát thuốc cho người bệnh. Mức giá thanh toán theo mức giá tiền khám bệnh tại trạm y tế tuyến xã.
Chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh lao
Dự thảo cũng quy định: Người mắc bệnh lao, bệnh lao kháng thuốc, nghi mắc bệnh lao, lao tiềm ẩn và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh lao được chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo các quy định về chuyển tuyến và theo quy định tại Thông tư này.
Việc chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh lao được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ một số trường hợp cụ thể.
Người có thẻ BHYT bị mắc bệnh lao, nghi mắc bệnh lao, lao tiềm ẩn được xác định là đúng tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo đúng quy định tại Điều 6 Thông tư số 30/2020/TT-BYT. (*)
Người mắc bệnh lao kháng thuốc được xác định là đúng tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT trong các trường hợp sau: 1- Theo quy định (*) nêu trên; 2- Chuyển tuyến từ tuyến xã lên tuyến tỉnh và ngược lại; 3- Chuyển tuyến từ tuyến huyện lên tuyến Trung ương và ngược lại.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn