In bài viết

Đề xuất quy định thu, chi của ngân sách địa phương

(Chinhphu.vn) – Tại dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất quy định về nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương.

14/01/2014 14:50
Ảnh minh họa

Theo dự thảo, ngân sách địa phương sẽ thu từ 5 nguồn cơ bản sau:

Thứ nhất, các khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%, bao gồm: Thuế tài nguyên, không kể thuế tài nguyên thu từ dầu, khí; thuế môn bài; thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; tiền sử dụng đất; tiền cho thuê đất; thuê mặt nước; tiền cho thuê và tiền bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; lệ phí trước bạ; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết; thu hồi vốn của ngân sách địa phương tại các tổ chức kinh tế, thu nhập từ vốn góp của địa phương; thu từ quỹ dự trữ tài chính của cấp tỉnh; thu từ bán tài sản nhà nước kể cả quyền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc địa phương quản lý; viện trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế, các tổ chức khác, các cá nhân ở nước ngoài trực tiếp cho địa phương; phí, lệ phí do các cơ quan nhà nước địa phương thực hiện thu và phí thu từ các khoản ngân sách địa phương đầu tư nhưng chưa chuyển giao cho doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Ngoài ra, các khoản thu này cũng bao gồm: Thu từ quỹ đất công ích và thu hoa lợi công sản khác; huy động đóng góp từ các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; thu kết dư ngân sách địa phương; thu từ tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước do các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc địa phương xử lý và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

Riêng tiền thu xử phạt vi phạm hành chính, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án: Phương án 1 là tiền thu xử phạt vi phạm hành chính do các cơ quan nhà nước địa phương thực hiện; phương án 2 là tiền thu xử phạt vi phạm hành chính do các cơ quan nhà nước thực hiện (bao gồm cả cơ quan nhà nước trung ương).

Thứ hai, các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định.

Thứ ba, thu bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương.

Thứ tư, thu từ huy động đầu tư xây dựng các chương trình, dự án kết cấu hạ tầng theo quy định.

Thứ năm, thu chuyển nguồn của ngân sách địa phương từ năm trư­ớc chuyển sang.

6 nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương

Bộ Tài chính cũng đề xuất 6 nhiệm vụ chi ngân sách của địa phương gồm:

Chi đầu tư phát triển là đầu t­ư xây dựng cơ bản cho các dự án do địa phương quản lý cho các lĩnh vực: giáo dục - đào tạo và dạy nghề; khoa học và công nghệ; y tế; dân số và kế hoạch hoá gia đình; văn hoá thông tin; phát thanh, truyền hình, thông tấn; thể dục thể thao; bảo đảm xã hội; hoạt động kinh tế; bảo vệ môi trường; quốc phòng an ninh; quản lý hành chính; đầu tư và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích do nhà nước đặt hàng, các tổ chức kinh tế, các tổ chức tài chính của địa phương theo quy định của pháp luật và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ chi thường xuyên bao gồm: Các hoạt động các lĩnh vực sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề; khoa học và công nghệ; y tế; dân số và kế hoạch hoá gia đình; văn hoá thông tin; phát thanh, truyền hình, thông tấn; thể dục thể thao; bảo vệ môi trường do địa phương quản lý; các hoạt động sự nghiệp kinh tế do địa phương quản lý; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội phần giao cho địa phương; hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương; trợ giá theo chính sách của Nhà nước; trợ cấp cho các đối tượng chính sách xã hội do địa phương quản lý; hỗ trợ cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ở địa phương  theo quy định của pháp luật và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

Ngân sách của địa phương cũng được chi vào 4 nhiệm vụ khác như: Chi trả nợ gốc và lãi các khoản huy động cho đầu tư theo quy định; chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính của cấp tỉnh; chi chuyển nguồn ngân sách địa phương sang năm sau; chi bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp dưới.

Theo dự thảo, ngân sách địa phương được cân đối theo nguyên tắc: Tổng số chi ngân sách địa phương không vượt quá tổng số thu ngân sách địa phương được hưởng. Trường hợp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhu cầu đầu tư xây dựng chương trình, dự án kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi ngân sách cấp tỉnh bảo đảm, thuộc danh mục đầu tư trong Kế hoạch đầu tư 5 năm đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định nhưng vượt quá khả năng cân đối của ngân sách cấp tỉnh năm dự toán, thì được phép huy động vốn trong nước, không bao gồm vay lại nguồn vốn vay ngoài nước của Chính phủ và phải cân đối ngân sách cấp tỉnh hàng năm để chủ động trả đủ nợ gốc và lãi khi đến hạn. Khoản huy động này được tổng hợp vào nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công. Chính phủ quy định cụ thể việc huy động vốn của chính quyền địa phương.

Mức dư nợ nguồn vốn huy động được dự thảo nêu rõ: Đối với TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, mức dư nợ nguồn vốn huy động không vượt quá 150% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương, mức dư nợ nguồn vốn huy động không vượt quá 100% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương, mức dư nợ nguồn vốn huy động không vượt quá 50% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Bảo Lâm