In bài viết

Đề xuất quy định về bảo trì công trình hàng hải

(Chinhphu.vn) - Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Thông tư quy định về bảo trì công trình hàng hải.

29/10/2021 15:15

Bảo trì công trình hảng hải gồm bến cảng, cầu cảng, bến phà, hệ thống phao, tiêu báo hiệu hàng hải, đèn biển...
Theo dự thảo công trình hàng hải bao gồm: Bến cảng; cầu cảng, bến phà; âu tàu; công trình sửa chữa tàu biển (bến, ụ, sàn nâng,...); luồng hàng hải; các khu vực, các công trình neo đậu; công trình chính trị (đê chắn sóng, chắn cát, kè hướng dòng, bảo vệ bờ); hệ thống phao, tiêu báo hiệu hàng hải; đèn biển (bao gồm nhà trạm gắn với đèn biển); hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải và các công trình hàng hải khác.

Dự thảo cũng nêu rõ về nội dung bảo trì công trình công trình hàng hải. Theo đó, chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình hàng hải tự tổ chức thực hiện việc kiểm tra, bảo dưỡng và sửa chữa công trình theo quy trình bảo trì công trình được phê duyệt nếu đủ điều kiện năng lực hoặc thuê tổ chức có đủ điều kiện năng lực thực hiện.

Kiểm tra công trình thường xuyên, định kỳ và đột xuất nhằm phát hiện kịp thời các dấu hiệu xuống cấp, những hư hỏng của công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình làm cơ sở cho việc bảo dưỡng công trình.

Sửa chữa công trình bao gồm: Sửa chữa định kỳ công trình để sửa chữa hư hỏng hoặc thay thế bộ phận công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình bị hư hỏng được thực hiện định kỳ theo quy định của quy trình bảo trì.

Sửa chữa đột xuất công trình được thực hiện khi bộ phận công trình, công trình bị hư hỏng do chịu tác động đột xuất như gió, bão, lũ lụt, động đất, va đập, cháy và những tác động đột xuất khác hoặc khi bộ phận công trình, công trình có biểu hiện xuống cấp ảnh hưởng đến an toàn sử dụng, vận hành, khai thác công trình.

Kiểm định chất lượng công trình phục vụ công tác bảo trì được thực hiện trong các trường hợp khi phát hiện thấy công trình, bộ phận công trình có hư hỏng hoặc có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng; khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Trách nhiệm bảo trì đối với công trình hàng hải có một chủ sở hữu: Trường hợp công trình hàng hải thuộc sở hữu nhà nước thì người quản lý sử dụng công trình có trách nhiệm bảo trì công trình.

Trường hợp công trình hàng hải đầu tư theo hình thức đối tác công tư: Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chịu trách nhiệm bảo trì công trình trong thời gian sử dụng, khai thác công trình theo hợp đồng dự án; hết thời gian sử dụng, khai thác công trình theo hợp đồng dự án, người được giao tiếp nhận quản lý, sử dụng, khai thác công trình từ nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án có trách nhiệm tiếp tục bảo trì công trình...

Về nguồn kinh phí bảo trì công trình hàng hải, căn cứ hình thức sở hữu và quản lý sử dụng công trình thì chi phí cho công tác bảo trì được hình thành từ một nguồn vốn hoặc kết hợp một số các nguồn vốn sau: Vốn Nhà nước ngoài đầu tư công, vốn ngân sách Nhà nước chi thường xuyên, nguồn thu phí cảng vụ hàng hải được giao theo dự toán chi ngân sách Nhà nước hàng năm, nguồn thu từ việc khai thác, sử dụng công trình xây dựng; nguồn đóng góp và huy động của các tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Lan Phương